Tiếp sức cho làng nghề

11/10/2024 16:17 Số lượt xem: 568
Bắc Ninh là vùng đất điển hình của những làng tiểu nông đa canh, đa nghề với chủ nhân là người nông dân vừa thạo làm nông vừa sành nghề thủ công, lại hoạt bát, năng động trong giao thương buôn bán. Làng xã Bắc Ninh vì thế không khép kín tĩnh lặng, mà luôn sôi động trong mối liên kết kinh tế, văn hóa với các làng xã trong vùng, trong nước và mở mang ra thế giới.

Từ năm 2000, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về nhân cấy nghề mới cho các vùng nông thôn và đầu tư thúc đẩy các nghề truyền thống như gỗ mỹ nghệ, sắt thép, giấy, gốm, mây tre đan, đúc đồng..., không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, là nguồn thu chủ yếu của nhiều gia đình, còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền. Tuy nhiên, do sự phát triển thiếu quy hoạch đồng bộ, thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu hệ thống xử lý chất thải…dẫn đến nhiều làng nghề Bắc Ninh hiện nay bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây nguy hại sức khỏe con người. Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất không bảo đảm yêu cầu sản xuất ra ngoài khu vực dân cư là quyết sách tiếp sức cho làng nghề phát triển bền vững.

 

Sẽ chấm dứt hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường như thế này tại các làng nghề vào năm 2025.

 

Kiên quyết đóng cửa các làng nghề bị ô nhiễm

Quyết nghị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nêu rõ: Dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tất cả các cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du) và làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong) không bảo đảm các yếu tố về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, xây dựng vi phạm đất đai… Giao các địa phương thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Yên Phong thực hiện nghiêm về lộ trình, thời gian của các kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường tại những điểm trên. Đồng thời duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất; xây dựng các chốt chặn, giám sát việc sản xuất, vận chuyển phế liệu ra, vào các cơ sở trên để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, phối hợp, hướng dẫn các địa phương có làng nghề, CCN làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện có lộ trình, mốc thời gian hoàn thành công tác chuyển đổi, di dời, quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại nhiều năm tại các địa phương trên. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình đến khu vực được phép chuyển đổi hoạt động sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống người dân, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong quý IV năm 2024.

 

Gần 100 hộ sản xuất giấy, phường Phong Khê đã đóng cửa nhà máy, chờ di dời, chuyển đổi.

 

Các làng nghề và nghề truyền thống luôn là một phần văn hóa của Bắc Ninh-Kinh Bắc. Trong quá trình vận động của xã hội, các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề đang dần chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế nhằm phù hợp với xu hướng phát triển. Những thay đổi này vừa mang lại thuận lợi vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Việc thúc đẩy làng nghề phát triển là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đang hiện diện chính là xu hướng phát triển thuần túy về kinh tế, coi nhẹ đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và ổn định. Chính vì vậy, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, nổi cộm là bài toán ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân, môi trường sinh thái kéo dài khó giải quyết. Một số làng nghề được liệt kê trong danh sách ô nhiễm trầm trọng nhiều năm, đó là: Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê; làng bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong); làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); làng nghề tái chế thép Đa Hội (thành phố Từ Sơn)… và một số CCN làng nghề. Trước mắt, tỉnh yêu cầu kiên quyết chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm và gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê, Phú Lâm, cô đúc nhôm xã Văn Môn. Các kế hoạch, đề án, lộ trình thực hiện đã, đang được các địa phương triển khai tích cực.

Đã có chủ doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về môi trường bị khởi tố; CCN làng nghề Mẫn Xá yêu cầu dừng hoạt động do không bảo đảm các yếu tố về môi trường, phòng cháy, chữa cháy; làng nghề giấy Phong Khê cũng đã có một số đối tượng chống đối bị bắt khẩn cấp… Đây là những biện pháp “cứng rắn” của các cấp chính quyền, lực lượng thực thi công vụ trong quyết tâm thực hiện mục tiêu giải quyết cơ bản ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng vào năm 2025 theo đúng lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025.   

Mở hướng phát triển làng nghề

Phóng viên mục sở thị cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Bắc Ninh trực tiếp kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh)- một trong những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, mới thấy thực sự nhức nhối. Mặc dù tỉnh, thành phố đã có nhiều biện pháp chỉ đạo kiên quyết, song kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Với mong muốn mang lại môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân, Bắc Ninh quyết tâm áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, không châm chước và không thỏa hiệp với các cơ sở vi phạm.  

 

Ngành Điện kiên quyết ngắt điện 3 pha đối với các cơ sở sản xuất giấy không bảo đảm môi trường, an toàn điện.

 

Cơ sở sản xuất giấy của bà Nguyễn Thị Thu, khu Dương Ổ, phường Phong Khê tự nguyện dừng sản xuất từ đầu tháng 7 theo đúng sự chỉ đạo của thành phố, do không đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Trên tinh thần cởi mở, chấp nhận chủ trương của tỉnh, của thành phố, song bà Thu vẫn còn nhiều “lấn cấn” khi chia sẻ cùng chúng tôi: Gia đình đã theo nghề làm giấy được hơn 20 năm, cũng đã trang bị máy móc, nhà xưởng lên đến nhiều tỷ đồng trên chính mảnh đất ở của gia đình. “Của đau, con xót”, dừng sản xuất là một thiệt hại không hề nhỏ, nhưng chúng tôi cũng nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, chất thải từ sản xuất giấy là không thể kiểm soát và xử lý được triệt để. Vì vậy, gia đình chấp hành chủ trương của thành phố, chỉ mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện về hỗ trợ di dời, chuyển đổi, hỗ trợ vay vốn ưu đãi… để người dân thực sự yên tâm, ổn định đời sống.  

Đây cũng là tiếng nói chung của nhiều cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê, khi bị dừng sản xuất. Anh Nguyễn Trọng An, Giám đốc Xí nghiệp giấy Long An, khu Châm Khê bày tỏ: Mặc dù chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc, phòng cháy chữa cháy khá bài bản, nhưng doanh nghiệp vẫn ủng hộ và chấp hành nghiêm chủ trương di dời cơ sở sản xuất trước 31-12 năm nay, ra khu mới để giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường vốn đã tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, không khỏi băn khoăn lo lắng là bị đứt gãy chuỗi sản xuất nếu không sớm tìm được mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý để xây dựng nhà xưởng sản xuất ở vị trí mới. Rất mong các cơ quan chức năng sớm tìm, giới thiệu địa điểm mới có hạ hầng bảo đảm, năng lực xử lý môi trường tốt để các cơ sở sản xuất có thể sớm di chuyển máy móc, nhà xưởng, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định sản xuất, cuộc sống.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thời điểm này, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Bắc Ninh quyết liệt vào cuộc, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kiên quyết đóng cửa tất cả các cơ sở vi phạm về môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, chứ không chỉ đợi đến 31-12-2024 mới cho dừng sản xuất các cơ sở nằm trong khu dân cư theo lộ trình của Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030.

 

Các cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường như thế này sẽ đóng cửa vào 31-12-2024.

 

Thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc họp bàn, đối thoại với các chủ sản xuất nhằm mở hướng đi mới cho người dân Phong Khê, bằng việc: Tìm, liên hệ, giới thiệu vị trí, khu, cụm công nghiệp sản xuất cho các hộ có nhu cầu tiếp tục hoạt động sản xuất giấy; xây dựng phương án hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/ chủ hộ cho việc di dời, tháo dỡ, vận chuyển máy móc; tạo việc làm ổn định trong các khu, cụm công nghiệp của thành phố cho hơn 4.000 công nhân đang làm việc tại làng nghề sản xuất giấy, có mức thu nhập ít nhất bằng, hoặc cao hơn mức thu nhập cũ tại đây. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi chống đối, kích động, lăng mạ người thực thi công vụ, kiên quyết không để ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê “bức tử” các dòng sông Cầu, Ngũ Huyện Khê và đời sống của nhân dân các vùng lân cận. Tại cuộc đối thoại với các chủ sản xuất về giải pháp di dời các cơ sở sản xuất giấy tái chế Phong Khê, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh: “Không bàn lùi, không gia hạn sản xuất, chỉ bàn phương án giải quyết một cách triệt để, thấu đáo, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững, không ô nhiễm. Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, giải đáp mọi thắc mắc của bà con, bảo đảm ổn định tình hình địa phương.”   

Bắc Ninh là vùng đất “trăm nghề”, với nhiều làng nghề có lịch sử tồn tại hàng trăm năm được phân bố rộng khắp trong tỉnh như: Làng rèn Đa Hội; đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; dệt Tương Giang; đúc nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái; giấy dó Phong Khê; gốm Phù Lãng; tranh dân gian Đông Hồ; tơ tằm Vọng Nguyệt...Đất nước, quê hương đang đổi mới từng ngày, sau gần ba thập kỷ tái lập, Bắc Ninh- tỉnh nhỏ nhất cả nước về diện tích tự nhiên và dân số đã khởi động một giai đoạn phát triển mới. Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đang hội nhập sâu sắc mà minh chứng sống động nhất là hàng nghìn doanh nghiệp đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục đã chọn vùng đất giàu văn hóa và tiềm năng này làm nơi khởi nghiệp.

Bắt nhịp với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế này đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo tồn, phát triển các giá trị cả về văn hóa và kinh tế của các làng nghề truyền thống. Có thể tìm được tiếng nói chung giữ chính quyền và người dân về khát vọng xây dựng một đời sống thịnh vượng hơn, môi trường sống an toàn hơn khi di dời sản xuất. Đây là hướng đi mới nhằm thúc đẩy các chủ cơ sở sản xuất đầu tư khắc phục được các yếu tố về thiết bị sản xuất đơn giản, cũ kỹ và lạc hậu, ý thức người dân làng nghề trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người được nâng lên…chắc chắn sẽ là nguồn sinh lực tiếp sức cho làng nghề phát triển, hội nhập, nhưng vẫn đậm bản sắc văn hoá của xứ Bắc Ninh- Kinh Bắc.

Phóng sự của Tiến Vụ - Hoàng Mai - Hoài Anh