Thảo luận Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

23/10/2024 23:26 Số lượt xem: 96
Sáng 23-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Sáng 23-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), các đại biểu cơ bản đánh giá cao chất lượng dự án Luật và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH. Tuy nhiên đề nghị làm rõ thêm các điều, khoản cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN phạm tội.
Nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) nhận định việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên không chỉ là thành tựu nổi bật với lĩnh vực cải cách tư pháp Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV. Đồng thời, tham gia góp ý về: Quy định Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; Thống nhất giao Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là Bộ Công an; Quan tâm về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Rà soát, nghiên cứu thật kỹ quy định về các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất về chính sách xử lý đối với NCTN phạm tội; Cân nhắc khi đưa ra các quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, vì có thể tác động tiêu cực đến NCTN, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình, xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với không phí thảo luận sôi nổi, khẩn trương, các ĐBQH phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, tập trung vào các nội dung trọng tâm với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao; đánh giá cao chất lượng hồ sơ chuẩn bị, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội; phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp, khoa học, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN phạm tội. UBTVQH sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.
* Buổi chiều, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Phiên thảo luận có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đại diện cơ quan thẩm tra làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Về cơ bản, các ĐBQH đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cụ thể, các ĐBQH quan tâm, góp ý về: Chính sách của nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…
Đồng thời kiến nghị: Không nên quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận; cần có quy định riêng về mô hình quản lý đối với di sản đô thị; làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nguồn lực tài chính; thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; quan tâm  bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống; rà soát các quy định về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong dự thảo luật; bảo đảm thống nhất với Luật Đất đai, Luật Xây dựng; quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật; quy định cụ thể hơn đối với việc ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm; cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Hội truyền thống”…
Đánh giá đây là dự án luật có phạm vi liên quan rất rộng đến các đạo luật khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, cập nhật kịp thời những nội dung có liên quan của các dự thảo luật đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, để kịp thời đồng bộ, thống nhất khả thi trong dự án luật này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa và hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thái Uyên