Sơn La, nơi ấm no hiện hữu

03/05/2024 09:40 Số lượt xem: 659
Trong hành trình lên Tây Bắc nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những điểm đến của chúng tôi là Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.

Vượt hàng trăm cây số đường đèo, thu vào tầm mắt no nê những cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ, phố núi Sơn La hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp đặc trưng của miền sơn cước. Những dãy công sở, nhà dân, cửa hàng đại diện của các doanh nghiệp khang trang trên những con phố thông thoáng, hiện đại. Xa xa là các dãy núi lô nhô cây xanh che phủ ngút ngàn. Tấm biển chỉ dẫn Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La hiện ra, xe chúng tôi rẽ vào một con phố rợp bóng cây, đi vài phút nữa thì dừng lại. Trước cổng Di tích, các chị em người Mông má hây đỏ ngồi trước những gùi mận vừa hái, vương chút lá còn tươi nguyên, thân thiện mời chào du khách.
Gần 11h trưa, tiết trời Tây Bắc đầu hè đã khá nóng nực. Những dấu tích hoang tàn, đổ nát, lổn nhổn gạch, đá của dãy phòng giam ngay phía cửa nhà tù càng làm cho vạt áo của du khách loang thêm những vệt mồ hôi. Thế nhưng, với tất cả lòng thành kính, ngưỡng mộ, các du khách đứng nghiêm, chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà tù Sơn La.

 

Du khách tìm hiểu những tư liệu, hiện vật tại Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.


Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, trên ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm bên dòng suối Nậm La. Nhà tù xây dựng kiên cố với tường bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, vào mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, vào mùa đông những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam làm cho bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170 m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một “địa ngục trần gian” để giam cầm, đầy ải hòng thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Thế nhưng các chiến sỹ Cộng sản với tinh thần bất khuất đã bất chấp mọi khổ đau để biến nơi đây thành trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên Cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu.

Du khách tận hưởng vẻ đẹp của thác Chiềng Khoa.


Tô Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, bị giặc bắt năm 1930, bị kết án 4 năm tù và đày ra Côn Đảo. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12-1939, Tô Hiệu bị giặc bắt lần thứ 3, đưa lên nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí là Ủy viên Chi bộ, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng. Hồi đó, Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của nhà tù Sơn La, phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ, Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La, đồng chí đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7-3-1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi. Gần cửa phòng giam của đồng chí Tô Hiệu có 1 cây đào đã mọc lên bất chấp điều kiện khắc nghiệt. Năm 1945, cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của chiến sỹ Cộng sản kiên trung.
Khâm phục và tự hào về ý chí cách mạng của các chiến sỹ Cộng sản là tâm trạng chung của những du khách khi về với nơi này. Bác Nguyễn Thị Huyền Cơ, thành viên của đoàn 37 cựu chiến binh của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: Thời của chúng tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ đã rất gian khổ, đến di tích này tôi càng thấm thía về những gian khổ mà thế hệ cha anh mình đã trải qua để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tin rằng người dân Việt Nam mãi khắc ghi những gian khổ, hy sinh đó của các thế hệ cha anh để tiếp tục nêu cao tinh thần anh hùng, bất khuất để gìn giữ, phát triển đất nước ta ngày càng hùng mạnh.
 Bữa cơm trưa nơi phố núi, món xoài tráng miệng ruột vàng, thơm nức, ròn tan đem đến cho tôi dư vị tuyệt vời. Anh bạn đồng nghiệp của Báo Sơn La hào hứng giới thiệu: Đặc sản quê tôi đấy. Đây là xoài tròn Yên Châu, nổi tiếng bởi chất lượng và mùi thơm đặc trưng, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gien cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển; là một trong 2 loại xoài ngon nhất trong cả nước, cùng với xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ngoài xoài tròn Yên Châu, Sơn La còn là vựa trái cây lớn với nhiều loại cây được canh tác trên quy mô lớn như: Nhãn ở huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ của huyện Mộc Châu; sơn tra của Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh năm 2023 đạt 8.832 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu nông sản đạt 177,6 triệu USD.
Câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp đã cập nhật thêm cho tôi những thông tin quý về Sơn La. Lâu nay, tôi biết Sơn La là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Nơi đây có nét đẹp đặc trưng của núi cao, sông sâu, những thác nước đẹp nên thơ, những đồi chè xanh ngút ngát. Nói đến Sơn La là nói đến cầu kính Bạch Long ở Mộc Châu, được ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness là cầu kính đi bộ dài nhất thế giới, thác Chiềng Khoa, thác Giải Yếm, thác Tạt Nàng, thung lũng mận Nà Kha, rừng thông Bản Áng,…đẹp mơ màng. Năm 2023 tỉnh đón  4,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 4.700 tỷ đồng. Chỉ trong quý I-2024, Sơn La đón hơn 1,3 triệu lượt du khách doanh thu ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trước đây, Sơn La là một trong những địa điểm hiểm trở, nơi “rừng thiêng nước độc”, là “địa ngục trần gian” đối với những chiến sỹ cách mạng bị giặc Pháp bắt tù đày khổ sai. 70 năm trôi qua kể từ ngày quân ta đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sơn La đã có bước chuyển mình ngoạn mục với những ấm no hiện hữu. Đến với Sơn La hôm nay, ngắm những bản làng trù mật bạt ngàn cây nông sản hàng hóa, những khu du lịch nhộn nhịp khách muôn phương, thấy lòng phơi phới lạ. Độc lập-Tự do-Hạnh phúc là đây.

Ghi chép của Thanh Hương