Phát triển Từ Sơn trở thành “đô thị di sản hiện đại”

26/09/2024 21:40 Số lượt xem: 324
Nằm giữa lòng xứ Bắc văn hiến, Từ Sơn nổi tiếng là vùng đất trù phú với trữ lượng di sản văn hóa vô cùng đậm đặc. Một thành phố trẻ chứa đầy nội lực từ quá khứ có đầy đủ điều kiện và cơ hội để phát triển trở thành thành phố văn minh, hiện đại, giàu bản sắc và chiều sâu văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác, phát huy giá trị kho tàng di sản một cách phù hợp và đúng hướng trong bối cảnh hiện nay.

Diễn xướng dân ca Quan họ trên thuyền tại cụm di tích đình, đền, chùa Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn).

 

Nhận thức sâu sắc di sản văn hóa là “nguồn lực đặc biệt” để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, những năm qua, Từ Sơn huy động sức mạnh của toàn xã hội đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để cộng đồng, nhân dân chủ động tham gia thực hành, trình diễn, quảng bá di sản... Tính đến tháng 7-2024, thành phố đang bảo tồn 203 di tích, trong đó có 103 di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt - khu lăng mộ và đền thờ các vua triều Lý, 43 di tích quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh.
Định kỳ hằng năm, Từ Sơn chỉ đạo khảo sát, lập danh mục di tích xuống cấp, ưu tiên di tích xuống cấp nghiêm trọng để đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ kịp thời. Việc trùng tu, tôn tạo di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm bằng nguồn vốn xã hội hóa và một phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, hầu hết di tích trên địa bàn thành phố Từ Sơn được xây dựng tường bao bảo vệ, tránh hiện tượng xâm phạm, lấn chiếm đất đai. Giai đoạn 2014-2024, Từ Sơn có khoảng 50 di tích được tỉnh hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, Từ Sơn còn bảo lưu, gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu với gần 50 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm, nổi bật là lễ hội rước pháo Đồng Kỵ, lễ hội Đền Đô... với nhiều nghi thức, nét đẹp văn hóa đặc sắc vẫn được gìn giữ. Từ Sơn cũng tự hào là một trong những địa phương có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh với 2/44 làng Quan họ gốc, 9 làng Quan họ thực hành và hàng chục CLB Quan họ đang duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Cùng với đó là những phong tục, tập quán, nghi lễ, tín ngưỡng, tri thức dân gian, các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống vẫn đang được gìn giữ, duy trì trong đời sống đương đại như: Tuồng, chèo, tục kết chạ... và nhiều món ăn ngon, đặc sản ẩm thực...
Hằng năm, thành phố Từ Sơn đón lượng khách tương đối lớn, tập trung vào dịp đầu năm tại các điểm di tích như đền Đô, chùa Tiêu, đình Đình Bảng, lễ hội Đồng Kỵ, lễ hội làng Phù Lưu... Hiện nay, thành phố có 3 di tích được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Khu lăng mộ và đền thờ các vua triều Lý; cụm di tích cách mạng đình, đền, chùa Đồng Kỵ và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trung bình hằng năm, riêng di tích quốc gia đặc biệt đền Đô đón khoảng 100 nghìn lượt khách.

 

Không gian xanh tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn).


Từ Sơn còn có sự giao thoa cộng hưởng giữa những “làng cổ” và các “phố mới” song hành tồn tại, vận động và phát triển. Những làng cổ văn hiến và những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như làng Đình Bảng, Phù Khê, Phù Lưu, Phù Chẩn, Đồng Kỵ... chứa trong đó cả kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, giá trị cùng nếp sống trọng chữ, trọng nghĩa của người Kinh Bắc... Tất cả những giá trị di sản vật chất và tinh thần đó chính là điểm tựa, hồn cốt, cội rễ góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho thành phố trẻ Từ Sơn vững bước hòa vào sự phát triển sôi động không ngừng của quá trình hội nhập toàn cầu. Trong xu thế phát triển hiện nay, di sản văn hóa đang trở thành một loại tài nguyên nhân văn vô giá để khai thác phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ... Gợi mở hướng phát triển cho thành phố Từ Sơn, PGS.TS Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất: Từ Sơn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để có thể phát triển trở thành “đô thị di sản hiện đại” với sự đan xen giữa di sản văn hóa truyền thống và sự phát triển hiện đại của một thành phố trẻ. Một trong những hướng đi cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển hiện nay là phát triển kinh tế di sản thông qua con đường du lịch.
Cũng theo PGS.TS Dương Văn Sáu, để phát triển bền vững du lịch đô thị di sản Từ Sơn cần có rất nhiều việc phải làm đồng bộ, hệ thống. Trước hết là thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển khách quan, khoa học. Tiếp đó là xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn thể hiện qua công tác quy hoạch kiến trúc, sắp đặt, kiến tạo lại không gian cảnh quan đô thị và xác định đặc trưng văn hóa riêng của đô thị di sản Từ Sơn trong vùng văn hóa Kinh Bắc. Xuyên suốt quá trình phát triển du lịch đô thị di sản Từ Sơn cần bảo đảm nguyên tắc “ba phải”: Phải bảo vệ không gian cảnh quan môi trường, giữ gìn hệ thống cây xanh, vườn hoa và cảnh quan truyền thống “phố - làng” hòa với “nhịp sống di sản”; phải gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng truyền thống, các lễ hội, di tích lịch sử... và phải phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại.
Với tiềm năng và nội lực dồi dào, tin rằng thành phố Từ Sơn sẽ có chiến lược khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, tạo sự phát triển bền vững trong chặng đường phát triển mới.

Thanh Lâm