Phát triển các mô hình sinh thái

30/10/2024 20:24 Số lượt xem: 278
Trong công tác bảo vệ môi trường, cùng với việc phát động các phong trào xây dựng cảnh quan “sáng, xanh, sạch đẹp”; ngăn chặn các hành vi hủy hoại môi trường, khắc phục các điểm ô nhiễm thì hoạt động bảo tồn, nhân rộng các mô hình sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng.

Rừng cây núi Dạm, phường Nam Sơn được người dân bảo vệ trở thành “lá phổi xanh” cho thành phố Bắc Ninh.

 

Phát triển hệ sinh thái từ quy hoạch

Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh luôn khẳng định không đánh đổi yếu tố môi trường và coi lĩnh vực này là một trong những “trụ cột” quan trọng để thu hút đầu tư, kiến tạo môi trường xanh. Vấn đề này được cụ thể hóa trong chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh là “3 cao, 2 ít”, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí hàng đầu. Đặc biệt, nội dung bảo vệ môi trường còn được nhấn mạnh trong nhiều đồ án quy hoạch quan trọng của tỉnh. Tiêu biểu là Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã định hướng, đề xuất các phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề cao việc bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên; nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ các giống loài và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện quy hoạch, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương tập trung phát triển không gian xanh đô thị gắn với các tuyến sông Đuống, sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, ngòi Con Tên... Điển hình như các đồ án quy hoạch cấp tỉnh, huyện: Khu đô thị sinh thái phía Tây Thuận Thành, khu du lịch sinh thái Phật Tích (Tiên Du), khu đô thị Nam Sơn Hạp Lĩnh (thành phố Bắc Ninh), khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm (Thuận Thành), khu đô thị sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng huyện Tiên Du, thành phố Từ Sơn…cho đến cấp xã, phường, thôn, khu phố cũng đề cao yếu tố công viên cây xanh, mặt nước; duy trì sự liền mạch, kết nối hệ thống kênh và các hồ nước tại các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học; tạo không gian cảnh quan xanh, điểm nhấn đô thị…
Đây không phải là những đồ án quy hoạch đầu tiên coi trọng, đề cao yếu tố môi trường mà ở nhiều đồ án quy hoạch trước đây đề cập, thực hiện và đạt nhiều kết quả góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân.

Người dân luôn ý thức phát triển các mô hình sinh thái

Mỗi buổi chiều, sau giờ tan học, ông Nguyễn Đức Kiệm, 70 tuổi, lại đưa các cháu nhỏ dạo bộ quanh khu vực vườn cò Đông Xuyên (xã Đông Tiến, Yên Phong). Bọn trẻ luôn thích thú, mải mê ngắm nhìn những cánh cò đang chao lượn trên những rặng tre, rồi lại ríu rít hỏi ông những điều còn thắc mắc. Trước những khuôn mặt háo hức của trẻ thơ, ông Kiệm chậm rãi kể: Chim về sinh sống ở đây từ hơn 30 năm trước với số lượng lên đến hàng vạn con. Trong đó, phần lớn là cò với các chủng loại khác nhau và nhiều loài chim cũng theo nhau về làm tổ, tạo ra sự đa dạng cho vườn cò Đông Xuyên. Người dân xem đây như điềm lành, ra sức gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái cho chim, cò trú ngụ, sinh trưởng… Ông mong các cháu chăm ngoan, học giỏi, yêu quý, gần gũi với thiên nhiên và nối tiếp các thế hệ bảo vệ vườn cò - “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho quê hương…

 

Môi trường sinh thái vườn cò Đông Xuyên được người dân gìn giữ xanh tươi.

 

Ông Nguyễn Hữu Văn, Trưởng thôn Đông Xuyên cho biết: Với tâm niệm “Đất lành chim đậu” nhân dân trong thôn rất có ý thức bảo vệ, sống chung cùng đàn cò. Nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất lúa để trồng tre cho cò đậu, nâng diện tích vườn cò lên hơn 30.000m2. Bên cạnh đó, chính quyền cũng quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, đầu tư kinh phí để bảo vệ, phát triển vườn cò.
Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt dự án thành lập khu bảo tồn loài-sinh vật cảnh vườn cò Đông Xuyên. Có thể khẳng định, hàng chục năm nay, nhất là từ khi thành lập Ban quản lý do lực lượng công an xã chính quy phụ trách, không còn tình trạng săn bắt, xâm hại vườn cò. Trong mấy ngày mưa bão số 3- Yagi, vườn tre, cây lá khu bảo tồn Đông Xuyên trở thành nơi trú ngụ an toàn cho hàng vạn chim cò… Xác định vườn cò là một tài sản quý cần giữ gìn, bảo tồn, tỉnh quy hoạch mở rộng vườn cò Đông Xuyên lên 13 ha và kết nối với hồ điều hòa, công viên, cây xanh khu vực trung tâm huyện Yên Phong rộng hàng chục ha, tạo thành quần thể bảo tồn đa dạng sinh học, có cảnh quan thiên nhiên trong lành.
Hằng năm, các cấp, ngành và người dân thường xuyên phát động phong trào trồng cây, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống cho đàn cò. “Trong tiềm thức, người dân Đông Xuyên luôn hành động bảo vệ, phát triển vườn cò; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Hữu Văn nhấn mạnh.
Nằm cạnh QL 38, phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) nổi bật với dãy núi Dạm tràn ngập màu xanh của cây rừng. Để nơi đây được coi như “lá phổi xanh” của thành phố, bao thế hệ người dân, cán bộ kiểm lâm cần mẫn vun trồng, chăm sóc, bảo vệ từng cây nhỏ, phủ xanh diện tích rừng. Thậm chí có người đã ngã xuống trong cuộc chiến cứu rừng để cây lá mãi xanh tươi…
Theo thống kê, phường Nam Sơn có 120,84 ha đất rừng; trong đó rừng phòng hộ là 115,58 ha, rừng thuộc hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng là 5,26 ha, với cây trồng chủ yếu là thông, keo và một số cây loài khác... Trước đây, núi đồi Nam Sơn thưa thớt cây lá, xảy ra tình trạng xói lở đất; cảnh quan, môi trường ngột ngại, oi bức. Từ khi Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng, bảo vệ rừng, mật độ phủ xanh ngày càng lớn, đất trống đồi trọc dần thu hẹp. Rừng giữ đất, giữ nước, cây lá xanh tươi, môi trường trong lành, người dân sinh sống đầm ấm, yên vui… Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, nhất là công tác phòng, chống cháy rừng, phường Nam Sơn luôn chú trọng công tác tuyên truyền bảo vệ rừng; phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm, san gạt đất rừng trái phép. Hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp lực lượng kiểm lâm xây dựng kế hoạch kiểm tra hiện trạng đất rừng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ bảo vệ rừng; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất. Trong công tác tuyên truyền, phường giao Đài truyền thanh, các đoàn thể, khu phố phát hành các bản tin, lồng ghép nội dung bảo vệ rừng, phát triển rừng; vai trò, tầm quan trọng của rừng, cây xanh trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Phối hợp với Hạt Kiểm lâm cắm biển cấm lửa; ban hành các văn bản chỉ đạo về việc cấm các hành vi xâm hại rừng, đất rừng và các hình thức xử lý nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Nguyễn Ngọc Phóng, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Sơn cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về vai trò của rừng trong hoạt động bảo vệ môi trường và việc cử cán bộ bám sát địa bàn, đến nay toàn bộ diện tích rừng được các hộ tham gia bảo vệ tốt, không để xảy ra chặt phá, lấn chiếm trái phép. Chính quyền các cấp luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng, quyết tâm giữ màu xanh cho đất. Thời gian tới, Nam Sơn duy trì việc phát động phong trào khuyến khích người dân trồng cây, gây rừng, kiến tạo môi trường sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên…
Theo các chuyên gia, để duy trì, phát triển các mô hình sinh thái, đề cao tiêu chí bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ; tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường để kêu gọi hỗ trợ từ mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Qua đó, xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp văn minh, mang đậm tiêu chí sinh thái, trở thành điểm đáng đến và đáng sống.

Hoàng Mai - Hoàng An