Phác thảo ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện

03/11/2022 20:07 Số lượt xem: 3901
Muốn chuyển đổi số ngành thư viện thành công không thể thiếu các nguồn lực như: Nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Mặc dù có những thuận lợi về chủ trương, chính sách và sự quan tâm chỉ đạo trong chuyển đổi số, nhưng việc ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức...

9 thư viện cấp huyện, thành phố có 1 máy tính kết nối internet
Theo kết quả điều tra khảo sát của Thư viện tỉnh, tính đến tháng 6-2022, tại 9 thư viện huyện, thành phố có 4 máy tính, trong đó duy nhất 1 máy tính kết nối internet; khảo sát 28 thư viện xã, phường, thị trấn và 10 thư viện thôn, thư viện tư nhân có tổng cộng 11 máy tính đều chưa kết nối mạng... Điều đó cho thấy, hệ thống thư viện công cộng từ huyện đến cơ sở vẫn đang hoạt động theo phương thức truyền thống đơn thuần.
Tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua hơn 20 năm ứng dụng CNTT đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý và biên mục sách cho công tác nghiệp vụ xử lý sách theo chuẩn nghiệp vụ mới. Từng bước hiện đại hóa trong công tác phục vụ bạn đọc như: Quản lý mượn trả, lưu thông, cấp thẻ, xây dựng hệ thống tra cứu OPAC... Đến nay, khoảng 90% công việc chuyên môn, nghiệp vụ của Thư viện tỉnh được thực hiện bằng máy tính nhờ ứng dụng phần mềm quản lý thư viện, đồng thời phát triển hệ thống tra cứu trực tuyến OPAC trên Website www.thuvientinh.bacninh.gov.vn. Thư viện tỉnh cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa tài liệu địa chí quý hiếm về Bắc Ninh với nhiều tài liệu được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng, bảo đảm chất lượng lưu trữ và sử dụng dài.

 

Không gian phòng đọc mở tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh.

 

Tuy nhiên, Thư viện tỉnh hiện cũng chỉ có 1 máy chủ chạy web, 1 phần mềm biên mục sách kết nối với hơn 20 máy trạm và chỉ đáp ứng nhu cầu làm việc tối thiểu của cán bộ thư viện. Những máy tính được bổ sung hàng năm thường có cấu hình thấp và hay phát sinh lỗi, hỏng. Phần mềm Thư viện tỉnh đang sử dụng là Mybib, chưa phải là phần mềm quản lý thư viện điện tử, thư viện số đạt chuẩn.
Với định hướng xây dựng Thư viện tỉnh trở thành thư viện trung tâm kết nối đến hệ thống các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước, liên thông từ tỉnh đến hệ thống thư viện cơ sở, đòi hỏi cần có giải pháp đầu tư tổng thể cả phần cứng và phầm mềm với hệ thống máy chủ cấu hình cao, các hạ tầng mạng, hạ tầng trang thiết bị CNTT hiện đại và đạt chuẩn, đáp ứng cho nhiều thư viện cơ sở cùng truy cập, khai thác dữ liệu...


Sử dụng phần mềm chưa đạt chuẩn, thiếu đồng bộ
So với hệ thống thư viện công cộng từ cấp huyện đến cấp cơ sở đều đang rất thiếu và yếu về trang thiết bị CNTT như đề cập trên đây, thì việc ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện trường học đã có bước cải thiện và đổi mới rõ rệt.
Đáng chú ý, khi UBND tỉnh triển khai Đề án “Đầu tư cải tạo và nâng cấp thư viện trường Tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2025”, nhiều thư viện trường học được trang bị máy tính, máy chủ, kết nối mạng internet và từng bước số hóa tài liệu để phục vụ bạn đọc trực tuyến. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo đến năm 2022, toàn tỉnh có 94 trường THCS và 23 trường THPT được trang bị thư viện điện tử bên cạnh thư viện truyền thống, cập nhật các phần mềm đủ phục vụ cho nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh trong các trường.
Cũng theo kết quả khảo sát của Thư viện tỉnh, tại 15 thư viện trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, có tổng số 478 máy tính, trong đó có 4 máy chủ, 15 máy tính kết nối internet, 264 máy tính kết nối mạng LAN. Hiện nay, có 2 trường Đại học ứng dụng CNTT mạnh mẽ và hiện đại nhất trong toàn hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh là Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Kỹ thuật Hậu cần CAND. Thư viện của hai trường này có số lượng máy tính lớn, trang bị máy chủ hiện đại, cấu hình cao với hạ tầng mạng bảo đảm các yêu cầu cao nhất về tốc độ kết nối và bảo mật thông tin. Đó cũng là hai đơn vị điển hình tiêu biểu trong triển khai ứng dụng các phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số phiên bản mới nhất với nhiều tính năng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin và tài liệu số của người sử dụng thư viện.
Như vậy, việc ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện trường học có bước chuyển tích cực vượt trội so với các thư hiện công cộng cấp huyện và cấp cơ sở. Tuy nhiên, phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số mà các thư viện trường học đang sử dụng chưa có sự thống nhất và hầu hết đều chưa đạt chuẩn quốc tế để trao đổi dữ liệu. Đây cũng là khó khăn, tạo áp lực cho quá trình triển khai liên thông, tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung trong hệ thống thư viện.
Để quá trình chuyển đổi số ngành thư viện trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, phục vụ nhu cầu khai thác, tiếp cận dữ liệu thông tin đa dạng, nhanh và tiện lợi của người sử dụng, thì việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng CNTT là một trong những yếu tố nền tảng, giữ vai trò hết sức quan trọng cho việc vận hành các hoạt động thư viện.
Giải pháp được giới chuyên môn đề xuất là: Nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại; trang bị mới, nâng cấp các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số đạt chuẩn nghiệp vụ quốc tế để sẵn sàng liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin; chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa nghiệp vụ, chuẩn hóa quy trình công tác tại các thư viện; nghiên cứu xây dựng mô hình liên thông phù hợp; đẩy mạnh phát triển tài nguyên thông tin số và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm  thu hút nhân lực CNTT có trình độ về làm việc trong hệ thống thư viện. 

Thanh Lâm