Nông nghiệp thông minh - Khát vọng vươn tầm

13/06/2023 20:35 Số lượt xem: 1239

Kỳ 3: HIỆN THỰC HOÁ KHÁT VỌNG

Đem câu chuyện làm nông nghiệp thông minh và những khó khăn, vướng mắc mà người nông dân đang loay hoay tháo gỡ trao đổi với ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, chúng tôi nhận được câu trả lời: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một xu thế tất yếu, bảo đảm cho phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang được Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ở Bắc Ninh, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và động viên khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã được tỉnh ban hành và đang dần hoàn thiện… Đây chính là nền tảng, là động lực để từng bước hiện thực hoá khát vọng về một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại từ bao đời của người nông dân…”.

Cũng theo phân tích, đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thì trong bối cảnh tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lại chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu nên ngành Nông nghiệp xác định rõ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững. Và con đường duy nhất là phải xây dựng được một nền sản xuất thông minh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ.

 

Công ty TNHH Hương Việt Sinh là một trong những đơn vị đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp CNC hiện đại nhất tỉnh


Với Bắc Ninh thì mục tiêu đó càng phải đẩy nhanh, thực hiện quyết liệt và hiệu quả bằng những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho người nông dân giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, những bước đi gập ghềnh để thẳng tiến trên con đường thực hiện khát vọng xây dựng thành công nền nông nghiệp thông minh, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương. Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với  tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, tập trung vào việc triển khai có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, bền vững. Điển hình là trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Số 07/2022/NQ-HĐND, ngày 7-7-2022 về quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định cụ thể hỗ trợ các hoạt động sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; sản phẩm tham gia chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh cho các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia. Đồng thời đổi mới hệ thống tài chính, tín dụng; bổ sung các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đổi mới cơ chế, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, phí như khai, nộp, hoàn thuế...
Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp CNC tỉnh đánh giá: Với những cơ chế chính sách ban hành và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, cùng với các giải pháp đồng bộ đang được tỉnh triển khai hiệu quả như về quy hoạch đất đai, tích tụ ruộng đất; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; quy vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường… chắc chắn sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội để tạo dựng được những thành công mới trên con đường tiến tới một nền nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh như các nước tiên tiến trên thế giới.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề Diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp” vừa được tổ chức tại Bắc Ninh vừa qua, anh Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty CP Đại Thành (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Là đơn vị đầu tiên đưa máy bay nông nghiệp (Drone) vào ứng dụng sản xuất diện rộng tại Việt Nam, chúng tôi từng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục khách hàng và cơ quan chức năng cơ sở. Việc áp dụng công nghệ mới, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi sự đổi mới về cả tư duy, trình độ và nguồn vốn của nông dân. Nhờ sự kiên trì, chúng tôi chứng minh được, chỉ có áp dụng công nghệ số, thông minh mới giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu rủi ro và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, chúng tôi cung cấp hàng nghìn sản phẩm cho người dân các địa phương, trong đó có Bắc Ninh, đi kèm với đó là hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ bảo đảm nhu cầu của khách hàng mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi cũng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp như thiết bị định vị dẫn đường, máy nông nghiệp mặt đất và giải pháp CORS (Continuously Operating Reference Station). Dù xây dựng được mạng lưới khá vững chắc, chúng tôi mong muốn, nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng, bảo đảm tính thông suốt nhằm tạo động lực để chúng tôi quyết tâm hơn nữa cùng bà con nông dân chuyển đổi thành công sang các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC…”.

 

Giới thiệu máy nông nghiệp mới tại Diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp”


Với chiến lược phát triển hài hoà bền vững của tỉnh, Bắc Ninh xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, CNC, nông ngiệp thông minh với năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, dựa trên lợi thế địa phương nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Và quyết tâm chính trị của tỉnh cũng đã khẳng định: Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, tiệm cận với khu vực đô thị phải đi liền với một nền nông nghiệp thông minh. Do vậy, định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh chỉ rõ những bước đi thận trọng, hiệu quả, mang tính đồng bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh.
Trong đó, xác định trước hết phải xây dựng được một nền nông nghiệp hoàn chỉnh về cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Bằng việc, tập trung nguồn lực đầu tư cho nhóm các sản phẩm chủ lực quốc gia và chủ lực cấp tỉnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và vị thế trên thị trường. Quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tiến tới kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo cách quản lý mới ứng dụng công nghệ 4.0. Từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác. Tổ chức các lớp đào tạo miễn phí nhằm nâng cao trình độ lao động nông thôn, bắt kịp tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất...
Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào các thị như: EU, Mỹ, Nhật... Để nông nghiệp theo hướng thông minh phủ sóng rộng hơn, đem lại hợp đồng kinh tế lớn, bên cạnh sự “tận tâm” tham mưu, xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển của các cơ quan quản lý nhà nước, rất cần “cái tầm” của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX trong việc mạnh dạn đầu tư, quyết tâm theo đuổi hướng sản xuất hiện đại, nhằm thuyết phục, tạo dựng uy tín đối với thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước. Đó chính là cơ sở vững chắc để xây dựng và phát triển thành công nền sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh, đem lại lợi ích to lớn cho người dân khu vực nông thôn.

 

Kỳ 1: Những bước nhảy vọt

 

Kỳ 2: Chặng đường gập ghềnh khó đi

Phóng sự của Nguyên Hoài Thương