Những người làm nên lịch sử

06/05/2024 20:19 Số lượt xem: 58
70 năm qua, những Chiến sĩ Điện Biên một thời vào sinh ra tử, chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, vẫn vẹn nguyên những ký ức về một thời hoa lửa, gian lao mà anh dũng, hào hùng.

Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra trọng thể sáng 7-5 tại sân vận động thành phố Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12.000 người.    Ảnh: Minh Nam

 

Những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Khắc Hoằng, 92 tuổi ở thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội kề vai, sát cánh trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ông Nguyễn Khắc Hoằng nhập ngũ ngày 17-4-1952 vào Đại đội 918, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312.

Ông Hoằng nhớ lại: “Tôi là lính pháo binh từng tham gia nhiều trận đánh, trong đó ác liệt nhất là trận đánh đồi Độc Lập. Điểm đồi Độc lập cách khu Trung tâm Mường Thanh 4 km, là một trong hai cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ khu Trung tâm Mường Thanh. Cứ điểm Độc Lập được bố trí xây dựng công sự, hầm ngầm giao thông hào gắn liền với lô cốt, có trang bị các loại vũ khí hiện đại. Xung quanh cứ điểm có hàng rào dây thép từ chân đồi lên đến tận mép chiến hào phòng ngự, có các loại mìn dày đặc. 2 giờ sáng ngày 15-3-1954, pháo được vận chuyển tới trận địa. 3 giờ sáng, chúng tôi được lệnh tấn công. Tất cả các loại hoả lực, trọng pháo của Bộ chỉ huy mặt trận bắn dồn dập, mãnh liệt vào các trận địa pháo của địch để khống chế uy hiếp. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, giành đi giật lại, từng lô cốt, từng đoạn chiến hào. Địch dựa vào hầm ngầm công sự chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn 115 chúng tôi làm chủ công tiến lên đánh bộc phá mở đường cho lực lượng bộ binh áp sát căn cứ địch. Đến 6 giờ 30 phút ngày 15-3, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta phấp phới bay trên đỉnh đồi Độc Lập. Mất đồi Độc Lập, địch huy động lực lượng hùng hậu ra sức phản kích. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng pháo binh chúng tôi thừa thắng xông lên. Trước sức tấn công cả pháo binh và bộ binh của ta, địch phải rút lui… Ngày 7-5-1954, quân ta bắt được tướng Đờ Cát. Quân và dân ở Điện Biên vô cùng phấn khởi, hò reo. Lúc này, các binh đoàn trùng trùng, điệp điệp kéo vào, người dân chạy ra đường mừng chiến thắng. Trên gương mặt mọi người, ai cũng rạng rỡ cùng chung niềm vui giải phóng”.

 

Ông Nguyễn Xuân Vịnh (thứ 2 bên phải ảnh) cùng Đoàn đại biểu cựu chiến binh tỉnh đi dự buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội.


Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trở về cuộc sống đời thường, ông Hoằng tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Để gìn giữ giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ông Hoằng hiến tặng 5 kỷ vật, tư liệu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho Bảo tàng Bắc Ninh.
Vinh dự là 1 trong 5 Chiến sĩ Điện Biên tham gia buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội ngày 23-4, ông Nguyễn Xuân Vịnh, 96 tuổi ở khu phố Thái Bảo, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh xúc động, tự hào về những ngày hành quân chiến dịch. Ông Nguyễn Xuân Vịnh nhập ngũ tháng 1-1951 vào Đoàn Bắc Bắc thuộc Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Ninh. Sau thời gian tham gia huấn luyện, ông được giao nhiệm vụ tiếp liệu. Hằng ngày, cứ tối đến, ông cùng đồng đội từ vùng tự do vào vùng địch hậu để mua hàng hóa phục vụ cho đơn vị. Sau khi tích cực tham gia các trận đánh địch ở Á Lữ, Thuận Thành, ông chuyển sang Đại đội 209, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308.
Ông Vịnh cho biết: “Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ súng, đánh tiêu diệt địch ở đồi Him Lam, Độc Lập, thì đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Căng Na, mục đích làm tiêu hao lực lượng địch, đồng thời phối hợp với các đơn vị chặn quân tiếp viện của địch từ Thượng Lào xuống. Chúng tôi lúc hoạt động trên mặt đất, lúc lại di chuyển xuống giao thông hào. Về sau, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ thu chiến lợi phẩm của địch thả dù xuống. Do biết tiếng Pháp, nên khi thu được chiến lợi phẩm đến đâu, tôi dịch và phân loại cụ thể, rõ ràng. Vũ khí, lương thực thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế… được giao kịp thời cho các đơn vị trên mặt trận”.
Những ký ức mà mỗi người lính mang theo là thước phim quay chậm, thể hiện sâu sắc, chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ trẻ phải trân trọng giá trị cuộc sống hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên.

Phong Vân