Những chiến binh blouse trắng và thiên thần “tí hon”

26/01/2024 16:00 Số lượt xem: 1226
Chào đời khi tuổi thai còn quá nhỏ, những em bé sơ sinh non yếu buộc phải chiến đấu để giữ lại bên mình sự sống. Đồng hành với những thiên thần “tí hon” ngoài lồng ấp, máy thở… là những chiến binh blouse trắng. Họ cùng nhau đi qua đủ cung bậc cảm xúc khi luôn phải tìm kiếm cơ hội để em bé được cai thở máy, ra khỏi lồng ấp, ghép mẹ, xuất viện về nhà.

Rảnh tay sau khi rời chiếc xe đẩy đã cùng mình làm xong nhiệm vụ cho các em bé “tí hon” trong khu cách ly, điều dưỡng Nguyễn Thị Mai, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cởi bỏ chiếc khẩu trang, để lộ khuôn mặt tươi tắn. Mai nói đợt này không quá đông bệnh nhân nên có chút thời gian rảnh, có thể chia sẻ vài điều về công việc của người điều dưỡng tại khu hồi sức sơ sinh.
“Khi còn đang học trường Y, em chưa thích chuyên khoa Nhi đâu, nhưng khi đi thực tập, đi làm, gắn bó em dần yêu thích công việc này. Lúc mới vào nghề, em chưa thấu hiểu hết sự lo lắng của các gia đình, đặc biệt là các bà mẹ, mọi thao tác trong công việc chủ yếu theo quy trình đã được lập trình sẵn, sau dần, nhờ đặt mình vào vị trí của các ông bố, bà mẹ có con sinh non, dù các con mong manh nguồn sống vẫn luôn kiên cường, em chăm sóc các bé bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm. Nhiều bé khi mới sinh chỉ có vài lạng, phải nuôi lồng kính hai tháng, ba tháng, bốn tháng vẫn không đầu hàng trước số phận. Vì thế, mỗi bé được ra ngoài ghép mẹ, được xuất viện, chúng em rất xúc động, vui cùng niềm vui của gia đình” - Mai chia sẻ.

 

Hình ảnh xúc động về tình “mẫu tử” trong khoa Sơ sinh.


Công việc ở khu chăm sóc sơ sinh non yếu rất đặc biệt vì với những em bé sinh rất non và cực non, khi chào đời các cơ quan trong cơ thể mới đang phát triển, cần có môi trường nuôi dưỡng tương đồng như trong bụng mẹ. Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh, chị Nguyễn Thị Thơm cho biết “Một trong những yếu tố quan trọng nhất là kiểm soát thân nhiệt vì các em bé sinh non thì lớp mỡ dưới da rất mỏng, diện tích da so với trọng lượng cơ thể lớn nên luôn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt. Khi đó, toàn bộ các hoạt động sống trong cơ thể bị ảnh hưởng. Môi trường đặc biệt được set up (được hiểu là cài đặt, thiết lập) cho các bé là lồng ấp với nhiệt độ thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cho cơ thể bé. Với mỗi bé có tuần tuổi/ cân nặng khác nhau thì môi trường lồng ấp được cài đặt khác nhau, sao cho gần giống nhất với môi trường trong bụng mẹ” .
Công tác phòng chống nhiễm khuẩn được đặc biệt coi trọng, do đây là nguy cơ gây tử vong lớn nhất ở trẻ sơ sinh non yếu. “Sức đề kháng kém, nguy cơ nhiễm khuẩn thì đến từ nhiều nguồn nên luôn đòi hỏi người điều dưỡng thực hành quy trình kỹ thuật trên bệnh nhi sơ sinh phải rất cẩn thận và tỉ mỉ. Việc sắp xếp các bé cũng căn cứ vào tình trạng sức khoẻ và bệnh lý, ví dụ như những bé có mẹ bị ối bẩn, ối xanh… xếp vào phòng nhiễm khuẩn, có kíp điều dưỡng chuyên chăm sóc, bệnh nhân phải bơm Curosof (một loại hỗ trợ điều trị bệnh phổi màng trong) cũng phải xếp riêng từng phòng do nguy cơ xuất huyết phổi…” -  Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thơm nói thêm.

 

Chiến binh “tí hon” say giấc trong lồng ấp.

 

Mỗi ngày, một điều dưỡng tiếp xúc với một bệnh nhân sơ sinh rất nhiều lần, cá biệt có khi lên đến vài chục lần. Bằng việc quan sát, theo dõi tình trạng của các bé. Chỉ một bữa ăn kém hơn, bụng chướng hơn, dịch dạ dày của em bé vàng, bẩn, dịch sữa chậm tiêu… các bác sĩ có phương án xử trí sớm, điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Vương Thị Tuệ, Phó Trưởng khoa Sơ sinh, phụ trách khu Hồi sức tích cực sơ sinh: Khoa được giao 30 giường kế hoạch hồi sức tích cực sơ sinh, thường xuyên có khoảng 20 bé tình trạng nặng phải thở máy. Tỉ lệ sinh non cần hồi sức tích cực chiếm xấp xỉ 50%, ngoài ra còn có trẻ sinh đủ tháng bị nhiễm khuẩn sớm, chậm tiêu dịch phổi… “Bệnh lý sơ sinh diễn biến nhanh, bất thường, chỉ cần một vài dấu hiệu gợi ý là có thể chuyển nặng ngay nên việc điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng cần luôn sát sao, tỉ mỉ. Máy móc, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều trong theo dõi nhịp tim, huyết động… song việc quan sát tình hình của bé thông qua việc tiêu hoá, màu sắc của da, mạch, tri giác... mới cho đánh giá sớm và chính xác tình trạng trẻ sơ sinh. Tại khu Sơ sinh thường, các bác sĩ khám ít nhất 2 lần/ ngày, tại khu Hồi sức sơ sinh theo dõi 24/24, thường xuyên có kíp trực gồm 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng thường trực, đáp ứng các tình huống phát sinh”.
Khoảng 2 năm trở lại đây, người nhà các em bé trong khu hồi sức tích cực được vào thăm 2 lần mỗi tuần với điều kiện bảo đảm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để không gây ảnh hưởng cho em bé. Bố, mẹ được nghe bác sĩ giải thích nhanh gọn tình trạng sức khoẻ của con, cũng có thể nói chuyện với em bé song tuyệt đối không được đụng chạm bất cứ vật dụng gì xung quanh và lồng ấp trong khu cách ly. Dù chưa có nghiên cứu, thống kê nào về hiệu quả của việc làm này, song các y bác sĩ và người nhà các bé tin rằng, đây là một liệu pháp tinh thần có ý nghĩa tích cực, các em bé được nghe tiếng nói của người thân sẽ giảm stress, bố mẹ được tận mắt nhìn con mình nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị cũng yên tâm, tin tưởng hơn.

 

Lễ tốt nghiệp đặc biệt dành cho em bé sinh thiếu tháng.


Từ khoa Sơ sinh, trong khu hồi sức tích cực, nhiều kỳ tích được thiết lập: Em bé non nhất được nuôi dưỡng, cứu sống thành công chưa tròn 25 tuần, chỉ nặng 450g; tỉ lệ cứu sống, nuôi dưỡng trẻ trên 28 tuần tuổi đạt khoảng 80%; không ít em bé xuất huyết phổi nhiều lần được cấp cứu thành công, trở về trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình…
Mỗi em bé từng ở nơi đây mang theo một câu chuyện riêng của mình. Một em bé sinh non 28 tuần tuổi, vượt cửa tử một cách kỳ diệu sau 4 lần cấp cứu xuất huyết phổi, có lần đã hôn mê, các chỉ số huyết động đều giảm sâu.
Bé gái Nguyễn Kẹo chào đời sớm do mẹ bị ngã, tình trạng xấu khi phổi màng trong giai đoạn 4, suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn. Những ngày đầu tình trạng nặng, tiên lượng tử vong cao, phải thở máy cao tần, dùng 3 loại kháng sinh kết hợp, bơm Curosof, nhờ sự kiên cường, một tháng rưỡi sau được ghép mẹ, 2 tháng xuất viện.
Mẹ rau bong non, nhiễm khuẩn nặng, hội chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu, là biến thể của tình trạng tiền sản giật, có thể đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ của cả mẹ và bé), suy tuần hoàn, vào viện trong tình trạng ngất, bé Cát Anh được cấp cứu ngừng tuần hoàn từ phòng sinh chuyển lên Hồi sức sơ sinh. Trong tuần đầu, bé xuất huyết phổi dai dẳng, khó cầm máu…
Tại đây, bệnh nhân “tí hon” nằm viện lâu nhất tròn 4 tháng, không ít trường hợp rất khó khăn khi bố mẹ làm thụ tinh ống nghiệm 2-3 lần mới thành công, một số trường hợp khác, gia đình lo lắng xin chuyển đi Hà Nội, nhưng nếu chuyển bé chắc chắn sẽ tử vong trên đường…  
Cơ hội không chia đều cho mỗi chiến binh “tí hon”, nhưng song hành cùng các bé trong cuộc chiến giành giật sự sống luôn có sự kiên trì không mệt mỏi của các y bác sĩ. Những ca cấp cứu dồn toàn lực, phải đứng liên tục một đến hai giờ đồng hồ, công việc chăm sóc các bé sơ sinh phải cách ly gần như không được ngồi nên dù tuổi đời còn trẻ, đến 90% điều dưỡng trong khu hồi sức tích cực bị giãn tĩnh mạch chi dưới do thường xuyên phải đứng quá lâu, quá nhiều. Mỗi ca làm việc, họ đều phải hỗ trợ bằng tất áp lực, có độ dài từ gót chân cho đến đùi. “Tất áp lực bó chặt vào chân, buộc phải đi rồi mãi thành quen, chứ thực sự không dễ chịu gì. Vì vậy, những bạn điều dưỡng có bầu sẽ được chuyển làm nhiệm vụ khác ngoài khu hồi sức tích cực” - điều dưỡng trưởng Thơm cho biết thêm.
Hơn 20 điều dưỡng khoa Sơ sinh mỗi người một quê, hoàn cảnh cũng không ai giống ai, số ít có nhà gần viện, còn lại xa xôi vẫn cần mẫn đi về. “Chúng em gần như ngày nào cũng có mặt ở viện, một tháng trực 10 tối, nhưng vì chưa đủ điều kiện mua nhà ở gần nên dù xa vẫn cố gắng đi về. Thu nhập thấp, như các chị em có con nhỏ, nếu ở trên này thì lương không đủ trả tiền thuê nhà, thuê giúp việc chăm con nên đành phải chấp nhận một mình vất vả di chuyển để con cái được ông bà chăm sóc tốt hơn, bản thân cũng chuyên tâm cho công việc vì yên tâm có hậu phương vững chắc” - điều dưỡng Mai tâm sự.
Lồng ấp như lòng mẹ được set up bằng kiến thức, kinh nghiệm, tình yêu, trách nhiệm, bước chân nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹn, dứt khoát, đôi tay thoăn thoắt nhưng dịu dàng nâng niu của các y bác sĩ khoa Sơ sinh đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày đầu đời non nớt của những em bé đặc biệt.

Ghi chép của Việt Hoa