Nhọc nhằn nghề buôn hoa Tết

02/02/2024 15:34 Số lượt xem: 475
Cũng như các nhà vườn, người kinh doanh cây cảnh Tết bị phụ thuộc vào thời tiết, rét quá cũng lo mà nắng quá cũng lo, chỉ mong một vụ buôn bán suôn sẻ. Nhưng rủi ro của người bán hoa tết không chỉ từ thời tiết. Lăn lộn đêm hôm, sớm tối cùng những người buôn hoa Tết, mới cảm nhận được nỗi khổ nhọc của nghề kinh doanh hoa Tết từ nỗi lo thời tiết, nơm nớp sợ chợ ế mất giá đến cả kinh nghiệm chống trộm...

Lấy công làm lãi

Gần 23 giờ đêm ngày 18 tháng Chạp năm Quý Mão, 3 chiếc xe tải chở gần 100 cây hoa mai Tết trị giá gần 300 triệu đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Quỳnh (phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) mới về đến khu vực chợ hoa Xuân thành phố Bắc Ninh. Hàng chục thanh niên (đa phần là người nhà anh Quỳnh) í ới nhau hì hục bưng hoa xuống xe, bắt đầu một mùa bán buôn đặc biệt chỉ kéo dài chưa đầy nửa tháng. Từ 23 giờ đến gần 3 giờ sáng, nhóm “cửu vạn gia đình” mới xuống hàng xong cho anh Quỳnh bởi không chỉ số lượng lớn, có những cội mai nặng hàng trăm kg, giá đến hơn 20 triệu đồng khiến cho việc bốc dỡ phải cẩn thận từng ly từng tí. Gần 20 năm theo nghề bán cây, hoa cảnh dịp Tết, anh Quỳnh cho biết năm nào cả năm thành viên gia đình cùng góp sức bán hoa.

 

Những bữa cơm vội vã ngay bên địa điểm bán hoa Tết

 

Cũng đã có hơn 10 năm kinh doanh hoa dịp Tết, chị Hoàng Thị Mai (Khu phố Bồ Sơn, phường Võ Cường) cho biết mùa Tết năm nào cũng nhập các loại đào cảnh... bán Tết. Theo chị Mai, việc buôn bán hoa, cây cảnh dịp Tết chủ yếu là lấy công làm lời để cầu mong khách mua vơi hàng sớm, nếu ế khách phải xuống giá coi như là không công. Tuy nhiên, “nỗi khổ” nhất của bán cây cảnh, hoa cảnh Tết là thường xuyên phải dầm mưa, rãi rét ngoài đường phố. Chị Mai cho biết dù nhà chỉ cách chỗ bán hàng non một cây số, song cả ngày lẫn đêm, vợ chồng chị vẫn phải dựng lều, căng bạt ở vỉa hè bán hàng. Nhất là những ngày “đại hàn” vừa qua vợ chồng chị Mai vẫn phải co ro chịu cái rét như cắt da cắt thịt ngoài vỉa hè, quyết gỡ gạc phần lỗ của chuyến buôn mai năm trước. "Nghề này như đánh bạc với trời. Rét nhiều cũng chết, nắng nhiều cũng chết! Rét quá đào nở muộn, bán rẻ, ấm quá đào nở sớm cũng bỏ đi. Mưa rét như mấy hôm vừa rồi anh em tôi lo sốt vó!", chị Mai bộc bạch.

Những “nỗi niềm” không tên

Từ đầu tháng Chạp, khu vực bán nhiều đào, quất, hoa ngày Tết ở thành phố Bắc Ninh như công viên Nguyễn Văn Cừ, hồ điều hoà Văn Miếu, dọc các trục đường Huyền Quang, Bình Than... gần như đã kín chỗ. Giá một cây đào loại vừa dao động từ 800.000 đến gần 2 triệu đồng; đào rừng Tây Bắc từ 500.000 đến vài triệu đồng. Dân buôn đào cho hay giá đào Tết thời điểm này nhỉnh hơn năm ngoái. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 20 tháng Chạp, sức mua vẫn khá thưa thớt. Mới chỉ có một số ít người dân thích chơi hoa trước Tết hoặc người đi mua làm quà. Thị trường hoa Tết chỉ thực sự sôi động từ 23 tháng Chạp trở đi. Cứ 28 Tết mà bán gần hết hàng thì mới cười được anh ạ! Lúc đó mà còn nhiều hàng thì đúng là ngồi trên đống lửa", chị Hằng, một người bán hoa đào Tết trên đường Huyền Quang chia sẻ.

 

Nhiều lao động tự do tranh thủ chở thuê hoa đào dịp Tết

 

Nếu như người bán hoa chịu cảnh “màn trời, chiếu đất” trong giá rét chỉ mong sao bán hết số hàng đã nhập về thì những người làm nghề vận chuyển hoa, cây cảnh Tết cũng có những nỗi niềm riêng.

Từ gần nửa tháng nay, ông Trần Văn Nam, chuyên làm nghề xe ôm ở khu vực chợ Đọ (thành phố Bắc Ninh) chuyển “địa bàn” hoạt động sang khu vực chợ hoa, cây cảnh công viên Nguyễn Văn Cừ. Ông Nam chia sẻ, những ngày cuối năm việc vận chuyển cây cảnh cho khách sẽ có tiền công cao hơn, vì vậy ông quyết định "chuyển nghề". Trung bình mỗi lượt chở cây ông thu về 100- 300 nghìn đồng.

Theo khảo sát, tại thành phố Bắc Ninh hiện có 2 loại hình vận chuyển cây cảnh chủ yếu. Đối với những gốc đào, mai, quất... khủng, có giá hàng chục triệu đồng thì khách sẽ chọn đơn vị vận chuyển là những xe cẩu, xe chở hàng có kích thước lớn để đảm bảo an toàn. Giá cả vận chuyển cây cảnh cũng khá đa dạng, tuỳ thuộc vào quãng đường và kích thước cây; trong nội thị thành phố thì giá sẽ dao động từ 300.000 - 800.000 đồng/chuyến. Đối với các huyện thì giá sẽ từ 1 - 5 triệu đồng/chuyến. Đối với các cây có kích thước nhỏ, khách thường thuê các bác xích lô, xe ôm, xe thồ... vận chuyển thì giá cả “mềm” hơn, dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/chuyến. Theo khảo sát thì mức giá vận chuyển này cao hơn khoảng 30% so với các năm trước.

 

Những cây cảnh lớn phải dùng xe cẩu để vận chuyển

 

Do đây là công việc thời vụ, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại cho thu nhập cao, nên lượng người làm nghề vận chuyển cây cảnh Tết ngày càng đông, nhất là khi thu nhập của những lao động phổ thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong mấy năm qua.

Mặc dù là nghề “hot” trong dịp cận Tết, có thể kiếm một vài triệu đồng mỗi ngày nhưng công việc này cũng đòi hỏi nhiều yếu tố. Người vận chuyển phải chịu khó, chịu được áp lực thời gian và nhất là phải cẩn thận, tỉ mỉ. Không ít trường hợp do nóng vội để kịp vận chuyển các chuyến khác mà người vận chuyển đã đi với tốc độ cao, khiến cây cảnh bị rơi rụng hoa, quả, nụ giữa đường, khi bàn giao cho khách thì cây không còn đẹp như trước. Nguy hiểm hơn, trong quá trình vận chuyển, chủ xe không che chắn, bọc cây gọn gàng nên nhiều trường hợp đã xảy ra va quệt, hư hỏng cây, tiền công vận chuyển không đủ để bồi thường cho khách hàng.

Anh Nguyễn Thế Khải, chủ xe cẩu chuyên nhận vận chuyển cây cảnh tiếc nuối kể lại cú sốc của việc phục vụ bán cây cảnh dịp Tết: thoả thuận vận chuyển cho khách hàng cây bưởi cảnh từ đường Bình Than về phường Thị Cầu với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển cây lên xe, cánh tay cẩu bật dây néo, gạt qua khiến cây bưởi cảnh trị giá gần 20 triệu bị gãy một cành, vỡ vừng. Kết quả, khách không nhận cây. Thương lượng qua lại, chủ xe cẩu phải đền cho nhà vườn 50% số tiền cây; vô hình chung công sức làm thuê cả dịp gần Tết thành công cốc.

Mặc dù vất vả nhưng những người buôn bán hay chở thuê hoa Tết vẫn bám trụ, ăn ngủ tại chỗ với mong muốn kiếm thêm thu nhập, có một cái Tết no đủ, đầm ấm bên gia đình.

Yến Ngọc