Nhiệt huyết cống hiến

25/03/2024 18:26 Số lượt xem: 647
Gắn bó với Trung tâm học tập cộng đồng phường Phù Chẩn (thành phố Từ Sơn) ngay từ những ngày đầu mới thành lập (năm 2012), chị Nguyễn Thị Khánh có nhiều sáng kiến, xây dựng Trung tâm thành điểm học tập hiệu quả cho người dân địa phương.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh (ở giữa) cùng các em học sinh tại Thư viện cộng đồng phường Phù Chẩn.

 

Năm 2009, chị Khánh về công tác tại trường THCS phường Phù Chẩn. Đến năm 2012, phường thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, chị được phân công là giáo viên chuyên trách tại Trung tâm. Để Trung tâm hoạt động hiệu quả, chị chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường hỗ trợ kinh phí hoạt động và hoàn thiện cơ sở vật chất; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể nhân dân, các khu phố và nhà trường trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Chị Khánh tâm sự: “Khi được phân công là giáo viên chuyên trách tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường tôi rất lo lắng, bởi đây là mô hình mới. Trước đây đối tượng giảng dạy là học sinh, còn đối tượng học tập ở Trung tâm là mọi lứa tuổi. Tôi trực tiếp tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, những hạn chế khó khăn của bà con nhân dân và các thế hệ học sinh, sinh viên. Từ đó xây dựng giáo án cho từng đối tượng cụ thể, đổi mới phương pháp, truyền đạt một cách ngắn gọn, cô đọng để người học, người nghe dễ hiểu. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng giáo án điện tử, nhờ việc dùng các tư liệu như hình ảnh, video, âm thanh, số liệu, sơ đồ, phông chữ, hiệu ứng...  giúp cho bài giảng sinh động, sâu sắc, dễ hiểu, lôi cuốn, có tính tương tác cao”.
Các chuyên đề tập huấn có nội dung gần gũi, cần thiết như: Phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy HIV/AIDS; những quy định trong đăng ký tạm vắng, tạm trú; phòng chống cháy nổ; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn tuyển sinh; bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại hộ và hướng dẫn sử dụng vi sinh bản địa (IMO) trong xử lý rác hữu cơ, ứng dụng trong nông nghiệp sạch và xử lý ô nhiễm môi trường… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Vào dịp nghỉ hè, Trung tâm phối hợp tổ chức các hội thi: Ươm mầm tri thức, Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ.... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên. Nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia, chị sắp xếp tổ chức tập huấn vào các buổi tối và các ngày nghỉ cuối tuần. Từ năm 2023 đến nay, chị Khánh tổ chức 24 buổi tập huấn, tuyên truyền với nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Năng động, nhiệt huyết với công tác, năm 2016 chị được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Hội Khuyến học phường. Đến năm 2021, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường. Góp phần xây dựng xã hội học tập, chị tham mưu với Đảng ủy, UBND phường về công tác lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể nhân dân, các khu phố và nhà trường trong việc xây dựng mô hình ‘‘Gia đình học tập’’, ‘‘Dòng họ học tập’’, ‘‘Công dân học tập’’, ‘‘Cộng đồng, đơn vị học tập’’…. Tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hơn 1 năm qua, chị Khánh viết hơn 20 bài với nội dung về việc thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập; ý nghĩa của công tác khuyến học tại gia đình, dòng họ; vai trò của sách và văn hóa đọc; những tấm gương gia đình, dòng họ học tập... tuyên truyền tại các hội nghị, phát trên hệ thống loa truyền thanh phường. Đồng thời, chị cùng với Ban thường vụ Hội Khuyến học tích vận động quỹ khuyến học, huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia làm công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Tham mưu cho Hội Khuyến học, MTTQ phường đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, kịp thời khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy.
Xác định văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, năm 2022 chị tham mưu với Đảng ủy, UBND phường xây dựng Thư viện cộng đồng, đưa tủ sách của Trung tâm học tập cộng đồng đến gần với người dân hơn. Để tủ sách ngày càng phong phú, chị kêu gọi sự ủng hộ từ những người con quê hương đang công tác tại các tỉnh, thành phố ủng hộ trang thiết bị học tập, sách, báo cho thư viện. Đến nay, thư viện có khoảng 4.000 đầu sách với  đầy đủ các thể loại khác nhau, nhiều loại sách có giá trị cao trong việc bồi dưỡng chuyên môn, phát triển tư duy, cảm xúc, trí tuệ, nghị lực cho người đọc. Bình quân số người đến thư viện đọc và mượn sách từ 20 đến 30 người/ngày, vào những tháng hè lên đến khoảng 60 lượt người/ngày.
Từ năm học 2022-2023, chị được Trường THCS Phù Chẩn phân công làm Tổng phụ trách Đội. Đảm trách nhiệm vụ này, chị chủ động sắp xếp công việc tại Trung tâm, dành nhiều thời gian gần gũi nắm bắt tình hình học sinh, nhắc nhở, hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển về trí tuệ, cảm xúc và nghị lực cho các em. Qua đánh giá, năm học 2022-2023 và kỳ I năm học 2023-2024, nền nếp, đạo đức học sinh có tiến bộ rõ rệt, thực hiện tốt nội quy của nhà trường, đoàn kết, sẻ chia giúp đỡ bạn bè, cảm nhận, trân trọng và học tập những điều tốt đẹp trong cuộc sống, chăm chỉ học tập, tích cực lao động và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Với sự tận tâm, cống hiến cho công tác giảng dạy và phong trào khuyến học, chị Nguyễn Thị Khánh có nhiều đóng góp lan tỏa phong trào “học tập suốt đời” và xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Nhiều năm liên tục, phường Phù Chẩn được UBND thành phố Từ Sơn công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”.

Mai Phương