Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh

30/09/2024 19:37 Số lượt xem: 200
Thực hiện Đề án ngoại ngữ của tỉnh cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập quốc tế, ngành GD-ĐT Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường.

Ở bậc mầm non, ngoại ngữ chưa phải môn bắt buộc nhưng từ năm 2022, Sở GD-ĐT đã triển khai cho trẻ nhiều trường mầm non làm quen tiếng Anh bằng những hình thức trực quan sinh động. Ở bậc tiểu học, theo Chương trình GDPT 2018, học sinh bắt buộc học ngoại ngữ từ lớp 3, riêng lớp 1 và lớp 2 thì ngoại ngữ là môn tự chọn, theo điều kiện từng trường. Tại Bắc Ninh, ngoài 100% học sinh lớp 3,4,5 được học tiếng Anh theo quy định thì hiện 85% học sinh lớp 1,2 cũng được học tiếng Anh, phấn đấu trong năm 2025, 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh. Để tạo sân chơi thúc đẩy phong trào thi đua học tiếng Anh, hằng năm, Sở GD-ĐT đều tổ chức hội thi Nói giỏi tiếng Anh cấp tiểu học, Hùng biện tiếng Anh cấp THCS và THPT từ cấp huyện đến cấp tỉnh, thu hút đông đảo học sinh các cấp tham gia.
Để có những điển hình lan toả việc dạy và học tiếng Anh tới các đơn vị cùng cấp, tháng 2 năm 2023, Sở GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình “Câu lạc bộ tiếng Anh với giáo viên nước ngoài”, với nhiều hoạt động phong phú gắn với thực tế và phù hợp lứa tuổi, cấp học. Bước đầu, Sở GD-ĐT thí điểm ở 6 trường điển hình có điều kiện dạy và học ngoại ngữ, đại diện 3 cấp học, tiến tới lan toả đến các đơn vị cùng cấp, đó là: Tiểu học Đình Bảng 2 (thành phố Từ Sơn), Tiểu học & THCS Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh); THCS Đông Ngàn (thành phố Từ Sơn), THCS Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh); THPT Lý Thái Tổ và THPT Hàn Thuyên.
Sở GD-ĐT cũng có nhiều giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp. Từ năm 2019 đến 2023, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Hà Nội) bồi dưỡng năng lực sư phạm cho 230 giáo viên THPT, 100 giáo viên THCS và 100 giáo viên tiểu học. Theo kế hoạch, năm 2024 tiếp tục bồi dưỡng năng lực sư phạm cho 300 giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học và THCS.

 

Phòng học tiếng Anh tại Trường THCS Tiền An, thành phố Bắc Ninh.


Đến nay, trình độ chuyên môn của giáo viên tiếng Anh các cấp tỉnh Bắc Ninh cũng vượt trội so với cả nước. Cấp tiểu học có 505/521 giáo viên đạt B2 trở lên (đạt tỷ lệ 97%); cấp THCS có 554/578 giáo viên đạt B2 trở lên (đạt tỷ lệ 95,8%); cấp THPT có 289/309 giáo viên đạt C1 (đạt tỷ lệ 93,5%).
Từ năm 2020 đến năm 2024, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, môn tiếng Anh của tỉnh đã đoạt 28 giải trong đó có 1 giải Nhất, 8 giải Nhì, 11 giải Ba và 8 giải Khuyến khích; số lượng và chất lượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh được cải thiện đáng kể qua từng năm học; số lượng giải cao trải đều ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; nhiều học sinh có kết quả thi chứng chỉ quốc tế đạt hệ số cao… Kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm đối với môn Tiếng Anh của tỉnh cũng ổn định và dần được cải thiện so với mặt bằng của khu vực và toàn quốc: Năm 2020 xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố về điểm thi môn tiếng Anh; năm 2021 xếp thứ 21; năm 2022 xếp thứ 10; năm 2023 và 2024 xếp thứ 8 trong các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Xác định ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là phương tiện quan trọng trong thời đại toàn cầu và hội nhập quốc tế đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của tỉnh, từ hàng chục năm nay, tiếng Anh luôn là môn thi bắt buộc. Từ năm 2025, theo Chương trình GDPT mới, tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khi xã hội và bản thân mỗi học sinh nhận thức tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời đại hội nhập quốc tế, đây có thể vẫn là môn thi được thí sinh lựa chọn nhiều nhất.
Tại Bắc Ninh, ngoài tiếng Anh, từ năm học 2024-2025, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh còn tuyển sinh lớp chuyên tiếng Trung với số lượng thí sinh dự thi rất đông, ngang với số thí sinh dự thi vào lớp chuyên tiếng Anh. Điều này cho thấy nhu cầu học các môn ngoại ngữ của học sinh rất lớn, những năm tới, ngoài tiếng Anh, các trường nhất là khối THPT có thể thêm ngoại ngữ 2 và 3… Khi học sinh thích học và thi đối với một môn không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT là ngoại ngữ thì đây có thể được xem là bước thành công của đổi mới giáo dục.

Khánh Hường