Ký ức của người cựu thanh niên xung phong

25/04/2024 09:29 Số lượt xem: 97
Năm qua đi nhưng những ký ức về “một thời-khoét núi, san lấp hố bom…, mở đường cho các đoàn xe băng băng qua đèo cao, dốc núi tới chiến trường” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Đình Cán (tên khai sinh: Nguyễn Đức Cán; trú tại thôn Ngang, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du).

Cựu TNXP Nguyễn Đình Cán, thôn Ngang, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du trầm ngâm nhớ về thời trai trẻ.

 

Chúng tôi đến thăm cựu TNXP Nguyễn Đình Cán một sớm tháng Tư, dù ở tuổi 90, 58 năm tuổi Đảng nhưng bước chân của ông vẫn đĩnh đạc, giọng nói vẫn còn sang sảng. Bên ấm trà nóng, ông tâm sự: “Những ngày này, nghe thông tin trên đài, tivi về các chương trình Kỷ niệm Ngày đoàn tụ, Bắc - Nam sum họp một nhà, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tôi thấy xúc động, tự hào khi được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc”.
Năm 1953, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ, ông Cán xung phong lên đường phục vụ kháng chiến cứu quốc, tham gia lực lượng dân công hoả tuyến, làm đường từ Đồng Đăng  (Lạng Sơn) về cầu Gia Bẩy (Thái Nguyên). Sau khi con đường hoàn thành, ông xung phong tham gia TNXP, trở thành thành viên Đại đội TNXP 228 (C228) thuộc UBHC tỉnh Lạng Sơn, nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông, phá bom nổ chậm tại Đèo Tam Canh (đầu huyện Bắc Sơn), cầu Kỳ Lừa, cầu Khánh Khê (tỉnh Lạng Sơn). Đây đều là những tuyến đường trọng yếu vận chuyển lương thực, vũ khí của quân và dân ta.
Cựu TNXP Nguyễn Đình Cán nhớ lại: “Lúc đó, thành viên trong đội TNXP 228 chúng tôi đều trẻ tuổi nhưng đều ý thức trọng trách của mình. Là TNXP, không trực tiếp cầm súng, vũ khí, trong tay chỉ là cuốc, xẻng, xà beng… nhưng ai nấy đều hừng hực khí thế. Có những hôm phải làm việc thâu đêm lấp hố bom, vá “ổ gà” ngay lúc bom thù vừa lặng tiếng, mùi khói đen còn khét, đất, cát lem nhem, mồ hôi bết mặt. Vẫn nhiệm vụ ấy nhưng tại Đèo Tam Canh lại là công việc khó khăn nhất, bởi đèo có chiều dài gần 4km rất khó quan sát, độ cao trung bình 450 đến 480m, bao quanh là các dãy núi đá vôi có độ cao trung bình 550 từ 650m so với mặt nước biển. Ban ngày, tôi cùng đồng đội lên đỉnh cao nhất để quan sát quân Pháp ném bom, những quả bom nào chưa nổ thì cắm cờ. Tới đêm thì ra gác để báo động bom nổ, xong xuôi ám hiệu anh em ra san gạt đường. Những hố bom khoét sâu 4 - 5m, rộng tới hơn chục mét phải được TNXP san lấp nhanh chóng để quân ta tiếp viện cho chiến trường. Có những ngày, chỉ một đoạn đường dài 400 đến 500m có hàng chục hố bom sâu, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đất, rãnh đường. Tất cả những quả bom nổ chậm ở mặt đường hoặc cạnh đường, chỉ sau 2 đến 3 tiếng đồng hồ là phải tập trung lực lượng đào bới, dùng thuốc nổ kích bên ngoài. Gian nan, hiểm nguy vậy nhưng không một ai lùi bước, tất cả đều với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ”.
Cuộc trò chuyện mỗi lúc một sâu lắng, cảm động, nhất là nghe ông kể thời khắc nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ, cả tiểu đội vỡ òa hạnh phúc, mọi người ôm nhau mừng mừng, tủi tủi vì chờ ngày toàn thắng đã lâu, trong đó có những giọt nước mắt thương nhớ đồng đội đã hy sinh không được chứng kiến giây phút thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục làm công nhân tu bổ đường. Năm 1957, ông về quê nhà tham gia công tác tại địa phương và phấn đấu đi học lớp sơ cấp, rồi trung cấp thuỷ lợi. Năm 1966, ông được kết nạp Đảng và về công tác tại Ty Thuỷ lợi Bắc Ninh, Ty Thuỷ lợi Hà Bắc. Năm 1973, ông được phân công làm Phó phòng Thuỷ lợi của huyện và công tác đến năm 1987 thì về hưu.

Trần Thư