Khi ý Đảng hợp lòng Dân

09/05/2024 20:54 Số lượt xem: 179

Kỳ 3: Kiên định mục tiêu xây dựng thành công “Tỉnh ATGT”

Sau một năm triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT” đã đem lại những kết quả bước đầu rất tích cực, nhiều nội dung, cách thức, giải pháp trong xây dựng “Tỉnh ATGT” của tỉnh đã được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, được các cấp, ngành hữu quan nghiên cứu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và nhân rộng. Những kết quả, bài học kinh nghiệm chính là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới, vì mục tiêu xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Công tác tuyên truyền ATGT được đẩy mạnh góp phần nâng cao ý thức, hình thành văn hóa giao thông cho người dân trong tỉnh.

 

Kinh nghiệm hay, bài học quí

Có thể nói, Nghị quyết 87 của tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT” đã nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên phát huy sức mạnh tổng hợp để Bắc Ninh đạt được những kết quả rất tích cực. Thực tế sau hơn 1 năm triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc quyết liệt, ngay khi Nghị quyết được ban hành, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát thực; lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên thực hiện đồng thời tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan nhiều lần trực tiếp đôn đốc, kiểm tra thực tế, kịp thời chỉ đạo giải quyết triệt để những vướng mắc nảy sinh...
Tại hội nghị tiếp tục triển khai “Thành phố Bắc Ninh ATGT” mới đây, các đồng chí lãnh đạo thành phố Bắc Ninh đều khẳng định: Thành phố Bắc Ninh luôn coi đây là quyết tâm chính trị, đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với quyết tâm cao độ nên đạt kết quả tích cực, góp phần xây dựng “Thành phố Bắc Ninh ATGT”. Quá trình triển khai thực hiện kinh nghiệm, bài học được đúc rút ra là: Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, trật tự đô thị, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, người dân nghiêm túc chấp hành các quy định tại cơ quan, đơn vị, gia đình và cộng đồng. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong việc bám sát địa bàn, trực tiếp chỉ đạo, sâu sát thực tế, toàn diện các mặt công tác. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT, trật tự công cộng, trật tự đô thị; huy động tối đa lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý vi phạm. Lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy trình và chế độ công tác, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân và người vi phạm…
Để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thì vai trò của công tác tuyên truyền có ý nghĩa quyết định. Bởi vậy, công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết về xây dựng “Tỉnh ATGT”, về trật tự ATGT, Bộ quy tắc Văn hóa giao thông của người Bắc Ninh được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tích cực triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động và hiệu quả. Từ các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương đến hệ thống đài truyền thanh cơ sở; trên nền tảng mạng xã hội; gửi tin nhắn đến các thuê bao điện thoại di động cũng như tuyên truyền trực tiếp đến từng thành phần thông qua sinh hoạt của các hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội… góp phần lan tỏa Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng các chuyên đề tuyên truyền Văn hóa giao thông trong cộng đồng, các chuyên đề được ghi hình và phát trên Báo, Đài của tỉnh và được tuyên truyền tại các trường học, các cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim và các hội thi, triển lãm, trưng bày về công tác bảo đảm trật tự ATGT... qua đó làm chuyển biến về tư duy, nhận thức của người dân về tinh thần trách nhiệm khi tham gia giao thông…
Cùng với tích cực đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, các lực lượng chức năng tăng cường triển khai tuần tra, kiểm soát thường xuyên liên tục và mở nhiều đợt cao điểm về bảo đảm trật tự ATGT vừa kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm vừa tạo sức răn đe, tính giáo dục cho người dân. Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch, công khai, qua đó nâng cao ý thức tự giác, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Thành công của Bắc Ninh trong xây dựng “Tỉnh ATGT” còn bắt nguồn từ sự quan tâm phối hợp, chỉ đạo sát sao của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đặc biệt là Đảng ủy Công an Trung ương. Trong 1 năm qua, lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải… đã có nhiều buổi làm việc với tỉnh, cùng tỉnh tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và trực tiếp kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn để phát hiện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay từ cơ sở, bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh ATGT” của Bắc Ninh đạt kết quả cao.

 

Cùng với hoạt động tuần tra, kiểm soát, CSGT Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền, tặng mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông.

 

Kiên định mục tiêu, giữ vững và phát huy thành quả

Thành quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 87 về xây dựng “Tỉnh ATGT” đưa lại là rất rõ rệt, thế nhưng để giữ vững thành quả ấy, tạo tiền đề để đạt kết quả cao hơn thì không hề dễ dàng, đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục kiên định mục tiêu, triển khai đồng bộ các giải pháp. Tại cuộc họp đánh giá tiến độ do Tổ Thường trực xây dựng “Tỉnh ATGT” tổ chức đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp ngành, địa phương góp phần đưa Nghị quyết 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuộc sống. Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, các ngành, địa phương rà soát lại tổng thể các nhiệm vụ, bám sát nội dung Nghị quyết, những việc gì chưa làm phải làm ngay, vấn đề gì phát sinh trong thực tiễn kiến nghị với cơ quan Thường trực để báo cáo tỉnh bổ sung, kịp thời tổ chức thực hiện. Đối với những doanh nghiệp, cụm công nghiệp… chưa đạt tiêu chí về ATGT thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương nào cần khẩn trương chỉ đạo khắc phục. Các cơ quan báo chí truyền thông phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền kết quả 1 năm xây dựng “Tỉnh ATGT”. Các ngành địa phương, đặc biệt là Ủy ban MTTQ các cấp, đoàn thể cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa Bộ quy tắc văn hóa giao thông trong nhân dân; Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho công nhân lao động và đoàn viên công đoàn. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành Luật Giao thông, thực hiện nghiêm túc việc thông báo vi phạm giao thông về cơ quan, đơn vị gắn với các hình thức phê bình, kỷ luật bình xét, thi đua… Cần kiên trì mục tiêu về xây dựng “Tỉnh ATGT” từng bước xây dựng hình ảnh tỉnh Bắc Ninh với văn hóa giao thông văn minh, an toàn, thân thiện…
Kết quả đạt được sau 1 năm triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT” là rất rõ nét, cũng là niềm tự hào cho mỗi người dân Bắc Ninh, chúng ta cần kiên định mục tiêu, giữ vững và phát huy các thành quả đạt được. Bởi vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về bảo đảm ATGT trong tình hình mới; từ tỉnh đến cơ sở cần xác định nhiệm vụ bảo đảm ATGT, xây dựng “Tỉnh ATGT” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ khác. Tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cho các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền đúng vào nhóm đối tượng có tỷ lệ TNGT, vi phạm giao thông cao (công nhân, lao động ngoại tỉnh, lái xe...); ưu tiên các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đối với nhóm học sinh, sinh viên (chiếm số lượng lớn tham gia giao thông, bao gồm cả phụ huynh đưa đón) để hình thành văn hóa giao thông bền vững, lâu dài trong nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, động viên, cổ vũ để nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Cùng với các nhiệm vụ trên, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng; tiếp tục quan tâm, ứng dụng CNTT trong xử lý vi phạm nhằm tạo sức răn đe, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ qui định về trật tự, ATGT trong xã hội. Mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với vấn đề ATGT; tuân thủ các qui định về bảo đảm ATGT vì sự phát triển của xã hội và vì an toàn, hạnh phúc của chính mình.
Những kết quả đạt được trong thực hiện mô hình điểm xây dựng “Tỉnh ATGT” thời gian qua là to lớn, có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh và cuộc sống người dân. Bởi thế, nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh ATGT” sẽ tiếp tục được cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong tỉnh quan tâm, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ vì mục tiêu xây dựng và phát triển quê hương mạnh giàu, từng bước đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, một miền quê đáng đến, đáng sống.

Lê Đại - Nguyên Phương