Du lịch Bắc Ninh- Hành trình đầy triển vọng

09/07/2018 08:35 Số lượt xem: 2015
Là một tỉnh đồng bằng, có nền tảng kinh tế làng nghề từ xa xưa, lại nằm giáp Thủ đô, nên đã tạo ra các điều kiện và cơ hội cho Bắc Ninh phát triển kinh tế, cũng như văn hóa xã hội. Không có thiên nhiên ưu đãi cho biển rộng, núi cao nhưng Bắc Ninh lại có lợi thế mạnh khi được thừa hưởng một khối di sản tâm linh đồ sộ từ lịch sử để lại. Đó là cơ sở đầu tiên và rất quan trọng để từ đó chúng ta có định hướng chiến lược xây dựng kinh tế du lịch.

 

Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành giúp kết nối các di sản.

 

Với tầm nhìn chiến lược, ngày 22-11-2013, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ đây, tỉnh có một cơ quan chuyên trách chuyên sâu về du lịch, tạo cơ sở  và nền tảng để xây dựng và phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Với tiềm năng của nơi đất giàu người giỏi người Bắc Ninh đã tạo ra những giá trị văn hóa đậm đà và sâu sắc trong suốt cả một thời kỳ văn hiến. Được mệnh danh là vùng đất của đình chùa và lễ hội, vùng Quan họ nổi tiếng với những ngôi chùa cổ kính kèm theo những lễ hội lớn vào dịp đầu xuân năm mới. Gần sát Hà Nội là Đền Đô ở thị xã Từ Sơn, chùa Dâu, chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành, những di tích nổi tiếng mà mỗi năm, có hàng nghìn du khách về lễ hội. Hành trình của du khách có thể bắt đầu từ Quốc lộ 1A hoặc từ Quốc lộ 5 rồi rẽ vào Quốc lộ 17 (từ xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm). Trên hành trình hình vòng cung này thì thành phố Bắc Ninh sẽ là điểm giữa để du khách ăn uống và nghỉ ngơi. Thời gian thích hợp nhất mà các du khách thập phương lựa chọn để về chơi miền quan họ  là vào dịp cuối năm, đầu xuân.
Qua điểm đến đầu tiên là nơi thờ  Tám vị vua nhà Lý, du khách được đến chùa Tiêu, chùa Phật Tích cổ kính và trầm mặc. Đến Bắc Ninh, thành phố trẻ và năng động, đi một vòng quanh trung tâm, mọi người sẽ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt nhanh chóng của nơi này. Tại đây, nếu đi vào dịp đầu năm, du khách có thể tới chùa Hàm Long (xã Nam Sơn) ghé thăm Đền Giếng (xã Hòa Long). Tại cái nôi của dân ca Quan họ này, tỉnh đang xây dựng một nhà hát chuyên nghiệp để nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thu hút khách du lịch.
Ở cánh cung bên kia sông Đuống là một con đường di sản mà mới nghe thôi, du khách đã có nhiều cảm hứng để lên đường. Ngoài chùa Dâu to đẹp, chùa Bút Tháp cổ kính còn có đền Sỹ Nhiếp, lăng Kinh Dương Vương trầm mặc bên vườn cây cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Cả một hành trình dài ven “một dòng lấp lánh” còn có tranh dân gian Đông Hồ, khơi ngợi những điều tươi trong ở tâm hồn của mỗi chúng ta. Từ đây, du khách sẽ  đi vòng lên thành phố Bắc Ninh theo hướng Quốc lộ 38, hoặc đi qua cầu để thăm chùa Phật Tích (Tiên Du). Dự kiến đến năm 2020, cầu Phật Tích sẽ đưa vào sử dụng, kết nối các di tích hai bờ sông Đuống gần nhau hơn.
Về đất Quan họ, du khách còn có dịp ghé qua các làng nghề có truyền thống hàng trăm năm nổi danh trên cả nước. Các ngành, các cấp của tỉnh Bắc Ninh đang cùng vào cuộc để tạo môi trường tốt giúp làng nghề không chỉ phát triển kinh tế mà còn có cơ hội làm du lịch. Những cái tên như Đồng Kỵ, Đa Hội, Đông Hồ, nếu được quản lý khoa học và giữ gìn môi trường sạch đẹp thì còn  tạo ra một hành trình kép cùng với các di tích văn hóa đền chùa trên cung đường khám phá vùng đất Kinh Bắc văn hiến.
Bắc Ninh đất chật người đông, sản vật của đất trời chỉ có gạo nhưng những người dân thông minh và cần cù đã làm ra nhiều đặc sản từ đó. Chỉ từ những hạt gạo tự cấy trồng, người Yên Phong làm được bánh tẻ làng Chờ dẻo thơm,  người Từ Sơn làm ra rượu nếp Cẩm uống say nồng. Ý nghĩa hơn và có lịch sử lâu đời nhất là đặc sản bánh phu thê Đình Bảng mà ai về Từ Sơn cũng muốn mua vài cặp làm quà. Giờ làng đã lên phố nhưng những nét đẹp về phong tục, lễ nghĩa thì người dân vẫn giữ gìn một cách nền nếp và truyền lại cho thế hệ sau. Nem Bùi, bánh khúc làng Diềm rất ngon và có thương hiệu, chỉ cần sự phối hợp đồng bộ sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Để mua quà về sau một chuyến hành trình thú vị, còn có cả các sản vật từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công từ các làng nghề như gốm Phù Lãng, đồng Đại Bái. Khi kết hợp được người dân, đến nhà quản lý các cấp và những người làm du lịch chuyên nghiệp thì chắc chắn, chúng ta sẽ thu hút được khách du lịch.
Tôi có dịp ghé qua Phú Yên, một vùng đất nghèo miền Trung, với cảnh biển đẹp, hoang sơ và Ghềnh đá đĩa độc đáo. Tuy nhiên, tỉnh này mới thực sự nổi danh trên bản đồ du lịch Việt Nam chưa đầy 4 năm sau Phim truyền hình “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Với thời gian rất ngắn, ngành chức năng ở đây đã khá thành công trong khâu quảng bá, tiếp thị và tổ chức du lịch. Giờ đây, đến miền đất lạ này, du khách hoàn toàn thoải mái và hài lòng với mọi dịch vụ chuyên nghiệp và đồng bộ.
Từ cuối năm 2017, tỉnh tổ chức hát Quan họ định kỳ trên hồ Nguyên Phi Ỷ Lan tại trung tâm Thành phố Bắc Ninh. Đây là một trong những hoạt động cần thiết và có ý nghĩa tạo điều kiện thúc đẩy du lịch đi lên. Hát dân ca Quan họ, vừa làm lan tỏa di sản, vừa tạo sân chơi vui thú cho du khách khi có dịp đến “chiếc nôi của người Việt cổ”.  Quan họ trên thuyền và phố đi bộ hướng đến các trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp lễ tết là một sản phẩm độc đáo báo hiệu cho du lịch Bắc Ninh nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

 

Minh Minh (Sở Nội vụ)