Di sản quý trong ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

01/03/2017 15:39 Số lượt xem: 41
Chùa Dâu, còn có tên gọi là chùa Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km.

Chùa Dâu được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là ngôi chùa lâu đời nhất, gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 13 có chép về việc dựng chùa: “Dựng chùa Pháp Vân ở châu Cổ Pháp” .

 

 

Hình ảnh chùa Dâu.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: chùa Diên Ứng ở xã Khương Tự, huyện Siêu Loại, có 4 tượng Phật là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện và Pháp Lôi, thường tỏ ra anh linh. Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp chín tầng và cầu chín nhịp, nền cũ nay vẫn còn. Xét truyện Phật Pháp Vân thì khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú, trị sở ở thành Luy Lâu, sư Khưu Đà La ngụ ở núi Thanh Sơn phía tây thành, lúc ấy có tu nữ A Man đụng chạm nhà sư nên có mang, sinh một người con gái. Nhà sư đem người con gái ấy đặt vào trong một cây lớn ở núi sâu. Sau đó, một hôm mưa to gió lớn, cây lớn bị nhổ, bị nước trôi, đến bến sông thành Luy Lâu, người ta lấy làm lạ, kéo lên bờ, thuê thợ tạc làm 4 tượng Phật, dựng chùa, gọi tên là Thiền Định (tức chùa Diên Ứng bây giờ, đặt tượng Phật là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện và Pháp Lôi”.

Cũng như nhiều chùa trên đất Việt, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Hậu đường xưa giờ không còn nữa, nhưng khách thăm chùa vẫn còn được chứng kiến bốn mươi gian nhà oản hai bên tả hữu.

Ở gian giữa chùa Dâu có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Do chùa Đậu bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu Bắc Ninh. Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18.

 

 

Mộc bản triều Nguyễn khắc về việc dựng chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu ngày nay).

 

Giữa sân của chùa trải rộng là tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương cao 1,6m ở bốn góc. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33m, cao 0,8m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.

Trong lịch sử có rất nhiều vị vua từng đến ngôi chùa này để cầu mưa thuận, gió hòa và cầu cho quốc thái dân an. Mộc bản triều Nguyễn còn khắc lại những sự kiện này đó là vào năm Quý Sửu (1073), vua Lý Nhân Tông thấy trời mưa dầm mãi không tạnh, liền sai làm lễ ở chùa Pháp Vân và đền thờ núi Tản Viên để cầu được tạnh ráo. Còn dưới triều Lý Anh Tông, nhà vua đích thân đến chùa Pháp Vân làm lễ đảo vũ. Ngoài ra, còn rước tượng Phật ở chùa về chùa Báo Thiên để cầu.

Chùa Dâu được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 9-12-2013.

Nguồn: Cao Thị Thơm Quang (Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)