Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và vì hạnh phúc của nhân dân

02/10/2024 09:51 Số lượt xem: 250
Ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024

 

Mục đích, ý nghĩa của ngày Chuyển đổi số quốc gia

Ngày Chuyển đổi số quốc gia có mục đích, ý nghĩa: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Việc lấy  ngày 10-10 là ngày chuyển đổi số quốc gia là do: Số 1 và số 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ căn bản của máy tính và cũng là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin (CNTT) của trước đây và công nghệ số của thời đại ngày nay.

Mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

 

Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP

 

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025:

Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với  80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI); Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Với mục tiêu phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030:

Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế,  Kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);  Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI); Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Trong phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%;  Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

4 ưu tiên Chuyển đổi số quốc gia năm 2024

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 4 ưu tiên cho Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 gồm:  Ưu tiên phát triển dữ liệu số, đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số; Ưu tiên quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số; Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, đây sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số; Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo - đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới.

Ngô Phú (Tổng hợp)