Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn thăm và làm việc tại huyện Yên Phong

03/03/2023 15:18 Số lượt xem: 3504
Sáng 3-3, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đi thăm, kiểm tra thiết chế văn hóa Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt và tiến độ thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn (Yên Phong).

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra thực tế tại Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt.

 

Dự án đầu tư xây dựng Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt (tại xã Tam Giang) có diện tích 8,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng (nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa), thời gian thực hiện giai đoạn 2016-2021, với tổng số 22 hạng mục công trình. Công tác quản lý, vận hành các hạng mục công trình được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, dự án còn một số khó khăn, vướng mắc, đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết: Chỉ đạo các cơ quan chức năng có cơ chế, quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý, bàn giao đối với các công trình xã hội hóa để phục vụ công tác thanh, quyết toán dự án theo quy định của pháp luật; do dự án sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (vừa ngân sách, vừa xã hội hóa) nên rất khó khăn trong việc quyết toán dự án. UBND huyện Yên Phong đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép quyết toán từng hạng mục công trình của dự án (sử dụng vốn ngân sách); tăng cường quảng bá khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối du lịch…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn.

 

Về tiến độ thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026: Bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện Yên Phong ban hành Đề án, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Đến nay đã thực hiện được một số công việc cụ thể như: Ban hành các văn bản, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, xây dựng phương án, quy trình, đơn giá…nhằm xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá; triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn 3,8 ha, triển khai Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư… Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân không nhận tiền đền bù (hiện nay mới có 31/78 hộ nhận tiền đền bù đạt khoảng 39,3%). Do vậy chưa thể trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công trong năm 2022 theo thời gian thực hiện được phê duyệt; chưa xây dựng được phương án và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng nên chưa thực hiện các bước tiếp theo; tỷ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu vực dân cư chiếm tỷ lệ rất thấp 12,8% (38/297 hộ), nguyên nhân là do kinh phí thuê mặt bằng tại dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn cao hơn so với khu vực...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Phong.

 

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của huyện Yên Phong, cũng như  ý kiến đóng góp của các ngành chức năng về thiết chế văn hóa tại Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt và tiến độ thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn trao đổi, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của 2 nội dung trên.

Đối với Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng đề án bảo tồn, phát huy di tích lịch sử, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống, nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch. Về công tác thanh, quyết toán, giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương, giải quyết trong thời gian tới.

Đối với Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn, đề nghị huyện Yên Phong và chủ đầu tư phối hợp bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Cụm công nghiệp làng nghề; siết chặt công tác quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Về vấn đề xử lý chất thải tồn đọng, địa phương nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai các phương án bảo đảm theo quy định. Đối với việc hỗ trợ kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tồn đọng, tỉnh thống nhất mặt chủ trương, huyện nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện. Về lâu dài, địa phương cần có lộ trình chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ những làng nghề gây ô nhiễm môi trường, vì sức khỏe, cuộc sống người dân…hướng đến sự phát triển mới, xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

 

Nhóm PV