Bài học từ những vụ bạo lực phụ nữ và xâm hại trẻ em

15/11/2023 21:37 Số lượt xem: 1286
Thời gian qua, tình trạng phụ nữ bị bạo hành và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên là một yêu cầu bức thiết để các đối tượng yếu thế trong xã hội cần được bảo vệ, sống trong môi trường xã hội an toàn.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, qua công tác thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự về “Tranh chấp hôn nhân gia đình” và các vụ án hình sự xét xử các tội liên quan đến người bị hại là người dưới 16 tuổi và bị hại là phụ nữ được Tòa án hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) xét xử, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 4-2023, toàn tỉnh có 62/8369 vụ việc ly hôn do bạo lực gia đình. Về hình sự người chưa thành niên có 39 vụ với 42 bị cáo bị truy tố xét xử về các tội, cụ thể: 20 vụ với 30 bị cáo tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 2 vụ với 2 bị cáo tội hành hạ người khác; 21 vụ với 25 bị cáo tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 8 vụ với 8 bị cáo tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; 1vụ với 1 bị cáo tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; 5vụ với 5 bị cáo tội làm nhục người khác; 1 vụ với 1 bị cáo tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

 

Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn để mọi phụ nữ, trẻ em đều được bảo vệ, yêu thương.


Các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em phần lớn do người chồng ghen tuông, nghiện ma túy, chơi lô đề, cờ bạc, cá độ, gia trưởng... và do cha, mẹ, người quen biết, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra. Nạn nhân của xâm hại trẻ em đa phần là trẻ em gái, độ tuổi có xu hướng ngày càng nhỏ. Giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh có 42 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em, đa số là người có mối quan hệ thân thiết, quen biết với gia đình trẻ. Trong các vụ án ly hôn có 62 nam giới thực hiện hành vi bạo lực gia đình; 20 đối tượng xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự có người bị hại là phụ nữ.
Chia sẻ về một số vụ việc, đồng chí Vũ Văn Giáp, Thẩm phán Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Thời gian gần đây, các vụ việc trẻ em bị xâm hại được thông tin ngày càng nhiều, cho thấy nhận thức của nhân dân về vấn đề xâm hại trẻ ngày càng tốt hơn, người dân nhận diện được các hành vi xâm hại trẻ em, dám lên tiếng, tố cáo các hành vi này. Đối với các hành vi bạo lực gia đình, nhiều chị em là đối tượng bị bạo lực đã dũng cảm đấu tranh, không cam chịu, nhờ chính quyền, các đoàn thể giúp đỡ kịp thời nên đã được bảo vệ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em cần được các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay thực hiện”.
Với thủ phạm xâm hại là người thân quen, lợi dụng sự quen biết với gia đình, thủ phạm có hành động, lời nói để tạo niềm tin, khiến trẻ mất cảnh giác với đối tượng; hứa đáp ứng nhu cầu cấp thiết nào đó của trẻ và lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ của trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Các đối tượng xâm hại thường nhắm vào trẻ em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình có vấn đề xã hội, trẻ sinh ra trong gia đình không được bố mẹ quan tâm. Với đối tượng xâm hại là người lạ: Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội, trò chơi trực tuyến để làm quen, kết bạn để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em, hoặc lợi dụng lúc trẻ em không có người lớn ở bên, ở khu vực vắng vẻ, dùng vũ lực để xâm hại.
Xâm hại trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Trong đó, hậu quả lớn nhất mà hành vi xâm hại gây ra đối với trẻ em là những tổn thương về tinh thần, trẻ dễ bị mặc cảm, tự ti, hoảng loạn phát triển không bình thường, xuất hiện các ảo giác bệnh lý... Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục bị sốc về mặt tinh thần, rơi vào trạng thái hoảng loạn, bế tắc. Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội, phần do xấu hổ, phần do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân của những vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, một số quy định pháp luật, chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em nói riêng còn chưa cụ thể. Môi trường sống xuất hiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, lành mạnh đối với phụ nữ và trẻ em, làm gia tăng hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ còn thiếu sự quan tâm tới con em mình dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em hoặc lo ngại ảnh hưởng đến trẻ và gia đình nên giấu kín vụ việc, không khai báo với cơ quan chức năng. Phần đông trẻ em còn thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại, nhiều trẻ em không biết mình là nạn nhân của việc xâm hại hoặc biết mình bị xâm hại nhưng không dám lên tiếng...
Bạo lực và xâm hại là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị. Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn là nhiệm vụ không chỉ riêng của ngành nào, cấp nào mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp, để mọi phụ nữ, trẻ em đều được bảo vệ, yêu thương và sống trong hạnh phúc.

Thu Huyền