Bài học cho người trẻ

04/10/2024 10:42 Số lượt xem: 102
Xem gì mà chăm chú thế bác Dung? Cô Hoa vừa tan sở đi qua hỏi.

Dư luận đang “dậy sóng” trước phát ngôn gây tranh cãi của một nam sinh từng giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia! Thế mà cô không biết à? Bác Dung vừa nhìn điện thoại vừa nói.
Cô Hoa dừng bước trả lời: À, thông tin đó em cũng biết. Vào đầu tháng 9 tài khoản facebook của nam sinh này đăng tải một bài viết, trong đó thể hiện quan điểm cá nhân về những điều cho là “không hoàn toàn sự thật” trong những gì được dạy ở trường; thẳng thắn bày tỏ mơ ước sống và làm việc ở nước ngoài thay vì cống hiến cho quê hương. Nhiều người cho rằng phát ngôn của cậu là “vô ơn” với đất nước và quê hương nơi sinh ra và lớn lên. Mặc dù bài viết này được gỡ bỏ sau đó, song những nội dung nhạy cảm đã bị chụp lại và lan truyền rộng rãi, gây nên làn sóng phẫn nộ từ dư luận.
Bác Dung bày tỏ: Với tư cách là một học sinh tiêu biểu từng tham gia và đạt giải trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, đáng lẽ phải có trách nhiệm thể hiện sự kính trọng, biết ơn với nền giáo dục và đất nước đã nuôi dưỡng mình. Sao cậu ta lại có phát ngôn nông nổi thế? Đối với những người trẻ, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng nhất định, việc suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn, tránh gây tổn thương cho người khác và không làm ảnh hưởng đến cộng đồng là rất quan trọng.
Chia sẻ với suy nghĩ của bác Dung, cô Hoa nói: Vâng em cũng nghĩ như bác là do cậu ta nông nổi thôi!. Nên sau khi nhận thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc, nam sinh này đã viết bài xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Thừa nhận sai lầm, bày tỏ sự hối hận vì đã làm tổn thương đến những người yêu thương và tin tưởng mình. Những phát ngôn nông cạn chỉ xuất phát từ những quan sát và trải nghiệm ít ỏi của bản thân. Nam sinh đường lên đỉnh Olympia xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn không đúng và mong nhận được sự tha thứ của mọi người.
Đang dở câu chuyện, chị Ngọc đi ngang qua cũng tham gia: Chuyện này “ầm ĩ” trên mạng nhiều ngày qua rồi, nam sinh ấy đã nhận ra lỗi của mình. “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, theo em cũng cần có sự nhìn nhận bao quát hơn. Phải nhận định, nam sinh này chưa hiểu lịch sử và đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, một phần sự thiếu sót ở nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác tuyên truyền giáo dục...
Để hạn chế tối đa những sự việc như trên, gia đình, nhà trường, cũng như các cơ quan tổ chức cần phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống; tăng cường “sức đề kháng” của học sinh trước những thông tin xấu độc; rèn luyện tư duy phản biện cho thanh, thiếu niên, khi thấy các thông tin khác thường với những gì được học ở trường và các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ biết cách đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt ấy, động cơ đằng sau những thông tin này là gì? Bên cạnh đó, trau dồi năng lực số nhằm giúp học sinh biết cách xác minh thông tin, sử dụng mạng xã hội, internet một cách có đạo đức.
 Nghe chị Ngọc phân tích, bác Dung và cô Hoa đều đánh giá: Tuy chỉ là sự bồng bột, nhưng sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Trong thời đại số hóa, mạng xã hội là công cụ hữu ích để chia sẻ thông tin, kết nối mọi người, nhưng cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” nếu sử dụng không đúng cách. Sự kiện này không chỉ là bài học riêng cho nam sinh mà còn là lời nhắc nhở cho toàn xã hội về việc cần thiết phải có sự định hướng, giáo dục và giám sát đúng đắn về lòng biết ơn, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với quê hương, đất nước. Đây cũng là bài học quan trọng cho thế hệ trẻ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại.

Thái Uyên