Đưa nông thôn phát triển toàn diện

08/12/2023 09:58 Số lượt xem: 624
Sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Bắc Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận với diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Bước sang giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể, theo lộ trình từng năm để tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu.

Sau khi cán đích xây dựng NTM vào năm 2018, xã Cảnh Hưng (Tiên Du) tiếp tục tập trung mọi nguồn lực củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã đạt NTM nâng cao trong năm 2023. Đảng ủy-UBND xã  huy động mọi nguồn lực, vận động nhân dân chung sức đồng lòng, phát huy vai trò của cán bộ đảng viên, từng thành viên trong ban chỉ đạo; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Theo ông Bùi Huy Chung, Phó Chủ tịch UBND xã, bước vào xây dựng NTM nâng cao, Cảnh Hưng gặp không ít khó khăn bởi là xã thuần nông. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, xã tiến hành rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí để xây dựng lộ trình, phương án thực hiện cho từng giai đoạn. Xác định việc đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là mục tiêu chính của xây dựng NTM, nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cứng hóa 100% kênh tưới nội đồng; đầu tư xây dựng trạm bơm cục bộ lấy nước từ sông Đuống chống hạn cho cây trồng, quy hoạch lại đường giao thông; khuyến khích nhân dân thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Vận động nhân dân gieo trồng các loại giống mới, giống đã được thử nghiệm, được tỉnh quy định như: lúa lai, ngô lai từng bước đưa các loại cây trồng hàng hóa vào thay thế các cây trồng truyền thống; chuyển đổi hơn 142 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Chuối, rau, màu... hình thành các mô hình nuôi lợn theo quy mô trang trạng lớn...
Cùng với phát triển kinh tế, Cảnh Hưng chú trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong các khu dân cư. Duy trì phát triển phong trào thể dục, thể thao các môn như: Cầu lông, bóng chuyền, tập thể dục dưỡng sinh, thể dục vui khỏe của hội phụ nữ xã, đi bộ, xe đạp. 3/3 làng đạt Làng văn hóa, 96% gia đình đạt văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%. Đến nay, Cảnh Hưng cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận.

 

Trường THCS xã Cảnh Hưng (Tiên Du) đáp ứng các tiêu chí xã NTM nâng cao.


Với lộ trình 13 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Từ năm 2021 đến nay, chương trình đã huy động nguồn vốn ước đạt gần 3.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 1.840 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố gần 1.050 tỷ đồng, ngân sách xã gần 300 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn khác. Diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương trở nên khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp hơn; hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo phương châm xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống đê điều, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu... được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới bảo đảm mục tiêu phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, 8/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 9 xã được chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 82,4% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn chú trọng sự hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị. Các địa phương tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, thực hiện có hiệu quả chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi bộ giống cây trồng - vật nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, nâng cao chất lượng, hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ “sản xuất giống - thức ăn - gia công - thu mua - chế biến - phân phối” đạt hiệu quả kinh tế cao đang được áp dụng và nhân rộng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em, gia đình chính sách… Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững qua các năm, hiện còn 1,06%. Lĩnh vực giáo dục, y tế có bước phát triển. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân.
Với quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước, tỉnh Bắc Ninh xác định trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Tuấn