Đón bạn Hà thành trong chiều thu Quan họ

11/10/2024 10:26 Số lượt xem: 720
Sau những bầm dập vì cơn bão số 3 (Yagi), đất Quan họ lại bừng lên sức sống mới với vẻ dịu dàng cuốn hút trong sắc thu vàng đương độ đẹp nhất… Cả chủ và khách như thăng hoa hơn khi có một chiều thu lộng gió được thong dong khám phá vẻ mê hoặc của không gian văn hoá Quan họ với đậm đặc những nét di sản cả hữu hình lẫn vô hình đó là làng Diềm, nơi thờ Đức Vua Bà, người khai sinh ra làn điệu dân ca Quan họ say đắm mà từ thập kỷ rưỡi nay đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khách đến thăm thư viện Quan họ gia đình của hai liền chị: Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang và Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm.

 

Khách ở đây là những người bạn thân thiết đến từ Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam do chị Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập dẫn đầu cùng với một số bạn khuyến đọc. Họ đến Bắc Ninh từ sáng, tham dự sự kiện Tuần lễ học tập suốt đời với vai trò nhà tài trợ sách cho ngành Giáo dục và Hội Khuyến học tỉnh. Buổi chiều, chúng tôi đón bạn tại “đất thơm Quan họ” - chữ của nhà báo Thanh Lâm khi nói về làng Diềm. Làng Diềm là tên nôm của làng Viêm Xá, nay thuộc phường Hoà Long, chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Ninh dăm phút chạy xe mà như lạc bước vào miền ký ức xa thẳm với nét cổ kính, thâm nghiêm, trầm mặc của cây đa, bến nước, sân đình. Chẳng riêng đám bạn Hà thành, ngay với tôi, làng Diềm tuy quen mà lạ, như kho tàng văn hoá miền Quan họ khơi mãi không vơi.
Cùng đón tiếp các bạn Hà thành ngoài tôi và anh Cao Văn Hà, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch danh dự Quỹ khuyến học Ước mơ lớn, xã Đông Tiến (Yên Phong) còn có mấy cô giáo trường Chuyên Bắc Ninh trong đó có cô Nguyễn Thị Dịu, người được ví như viên ngọc quý của ngành Giáo dục không phải vì cô từng đoạt danh hiệu Giáo viên tài năng duyên dáng mà hơn thế, cô còn là giáo viên giỏi Văn bậc nhất tỉnh. Nếu tôi không lầm, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bắc Ninh có 2 học sinh vinh dự giành giải Nhất quốc gia môn Ngữ văn thì đó đều là học sinh của cô Dịu. Cô Dịu cũng rất vui mừng khi biết trong chương trình rong chơi chiều thu hôm ấy, có nội dung nghe hát Quan họ tại nhà riêng 2 nghệ nhân là chị em ruột nổi tiếng Bắc Ninh làng Diềm.
Tôi cũng phải cảm ơn nữ ký giả Thanh Lâm, người am tường về văn hoá Kinh Bắc, nhất là kiến thức về dân ca Quan họ Bắc Ninh kể từ khi loại hình này được UNESCO công nhận, vinh danh Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009. Nhờ kết nối của Thanh Lâm, chúng tôi được hoà mình trong không gian thư viện Quan họ của 2 chị em ruột là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang và Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm ngay cạnh đình Diềm. Ở đó, chúng tôi được nghe các chị thả những làn điệu Quan họ cổ mượt mà đằm thắm đủ độ vang, rền, nền, nảy; được nghe các chị giải thích về lối chơi Quan họ với những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ khiến đám bạn Hà thành cứ say như điếu đổ. Chị hai Sang - Thềm vốn là con “bà trùm” có tiếng xứ Kinh Bắc nên mạch nguồn dân ca Quan họ đã thấm đẫm trong họ từ khi còn trong nôi. Mẹ chồng chị hai Thềm là cụ Nguyễn Thị Bàn hơn 90 tuổi, cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, hiện được xem là “báu vật” sống ở làng Diềm. Chồng chị hai Thềm là anh Hùng, Đại tá công an đã nghỉ hưu, lại cũng mê say Quan họ từ nhỏ nên họ càng ý thức truyền cảm hứng cho nhau cả khi biểu diễn cũng như trong việc sưu tầm những tư liệu, hiện vật quý để thành lập thư viện Quan họ Sang - Thềm. Thấy khách đến chơi nhà và nghe câu Quan họ, anh Hùng bấm máy lia lịa như một nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực nhằm lưu lại những khoảnh khắc làm giàu thêm tư liệu thư viện gia đình.
Non 2 tiếng trong thư viện Quan họ Sang - Thềm, dẫu thòm thèm chúng tôi vẫn phải chia tay 2 liền chị để kịp ghé Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng nằm trên đất thủy tổ Quan họ. Công trình được khánh thành tháng 5-2019 đã hiện thực hóa giấc mơ nhiều đời của người Quan họ, mở ra không gian diễn xướng sang trọng, đẳng cấp, xứng tầm di sản văn hóa thế giới... Đến đây, chúng tôi may mắn được Nghệ sĩ Ưu tú Lương Trung Kiên, Phó Giám đốc nhà hát đón tiếp nhiệt tình, anh đưa chúng tôi tham quan một vòng nhà hát rồi dẫn vào xem anh chị em nghệ sĩ đang hăng say tập luyện các tiết mục chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ toàn quốc tổ chức tại Bình Dương tháng 11 tới. Trong buổi chiều thu, giữa lồng lộng gió hồ, tận thấy những gì được nghe, xem ở đất thơm Quan họ, những người bạn Hà thành của chúng tôi có vẻ rất mãn nguyện về chuyến rong chơi đầy bổ ích này.
Ở làng Diềm trọn một chiều thu, dù không thể thăm hết những địa điểm nổi tiếng như đình Diềm, đền Vua Bà Thuỷ Tổ, nhưng trước khi về, chúng tôi vẫn kịp ghé Đền Cùng - Giếng Ngọc chiêm ngưỡng những nét vàng son còn lại của ngôi làng cổ khiến những người bạn thủ đô hết sức ngỡ ngàng. Nhất là khi nghe truyền thuyết và hiện thực về Giếng Ngọc, được ví như con mắt, trái tim ngôi làng cổ trong quần thể khu di tích. Một sự bất ngờ và trân trọng của các bạn khi biết trong túi quà quê chúng tôi dành tặng, có cả những can nước Giếng Ngọc mát trong và những chiếc bánh khúc, món ẩm thực nức tiếng của làng Diềm.
Một sự ngạc nhiên đầy thương mến nữa, trước khi ghé làng Diềm, chúng tôi đề xuất các bạn phải ăn tối xong thì mới về Hà Nội nhưng các bạn từ chối vì sợ muộn. Thế nhưng, lạc bước trong không gian văn hoá Quan họ, các bạn Hà thành và mấy cô giáo trường Chuyên Bắc Ninh đều bị mê hoặc khi gặp gỡ 2 liền chị Sang - Thềm. Định bụng ngồi nghe Quan họ cổ khoảng một tiếng mà cuối cùng gấp đôi thời gian vẫn thòm thèm. Tôi trêu chị Khúc Thị Hoa Phượng, thế có muốn về sớm nữa không thì chị cười, bây giờ chỉ muốn… ở lại.
Sau bữa cơm tối thân tình tại thành phố Bắc Ninh, chúng tôi chia tay các bạn khi đồng hồ điểm 21 giờ. Tôi nhắn các bạn “đến hẹn lại về” để tận hưởng những điều thú vị nữa trên quê hương Quan họ, nơi mà “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”.

Ghi chép của Trọng Khánh