Định hướng và mục tiêu phát triển, tăng trưởng xanh

01/11/2024 10:03 Số lượt xem: 195
Tăng trưởng xanh là một chiến lược phát triển bền vững nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Tăng trưởng xanh nhấn mạnh việc sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm và hiệu quả, giảm ô nhiễm đồng thời thúc đẩy các công nghệ thực hành thân thiện với môi trường. Mục tiêu trọng tâm của tăng trưởng xanh là hài hòa giữa phát triển kinh tế hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái, tạo ra sự cân bằng có lợi cho nền kinh tế và môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2015 Bắc Ninh phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, sau đó có bước đột phá về Đề án xử lý môi trường giai đoạn 2019-2025, nhờ vậy Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu công bố đứng thứ 3 toàn quốc. Đến năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Hằng năm có kế hoạch cụ thể cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sau gần 3 thập kỷ tái lập, cùng với chính sách đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào, từ tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã bứt phá, trở thành một “điểm sáng” trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở khu vực miền Bắc với 16 KCN tập trung, ghi tên mình vào danh sách các tỉnh, thành phố đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.500 dự án FDI đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 29 tỷ USD. Với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước, Bắc Ninh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp: Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng đô thị hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, sản xuất xanh thân thiện với môi trường. Tổ chức các diễn đàn theo tháng để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất trong phát triển bền vững, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút các nguồn lực tài chính xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc; đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Về định hướng, Bắc Ninh xác định trọng tâm là phát triển Khu công nghiệp xanh, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết khu đô thị theo hướng sinh thái với các quy mô đa dạng, bao gồm: khung tiêu chí; quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư; đào tạo nhân lực; các tiêu chuẩn quản lý,… Nghiên cứu bổ sung tiêu chí phát triển xây dựng khu đô thị theo hướng đô thị xanh khi lựa chọn nhà đầu tư dự án. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư, đưa ra tiêu chuẩn thu hút đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp với các tiêu chí về khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, đô thị tăng trưởng xanh. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp để cải thiện hoạt động môi trường, đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các nghề thuộc lĩnh vực kinh tế xanh; hướng dẫn doanh nghiệp về quy định pháp luật môi trường, sử dụng, sản xuất năng lượng tái tạo, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và không khí.
Bên cạnh đó định hình các Khu đô thị xanh với việc triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu thay thế, sản phẩm mới thân thiện với môi trường. Xây dựng đô thị xanh ở một số khu đô thị mới triển khai trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.Quy hoạch đô thị theo hướng tiếp cận đô thị bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế...) với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững cho người dân, đảm bảo đồng bộ trong Quy hoạch xây dựng nhà ở, giao thông, cấp, thoát nước và xử lý rác thải, nước thải, chất thải rắn đô thị.
Để phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là tư duy và hành động đột phá. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó tính đến các tác động của các quy định, tiêu chuẩn và quy định môi trường đối với sản phẩm. Đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp về năng lực phân tích kinh tế và môi trường. Tăng cường hỗ trợ tư vấn của các tổ chức, đơn vị Nhà nước đối với doanh nghiệp, các ngành công nghiệp để thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn.

Hoàng Mai