“Chiến binh” áo trắng trên bầu trời gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc

14/06/2024 13:46 Số lượt xem: 340
Tròn một năm trở về quê hương và trở lại với công việc thường nhật, Thiếu tá, điều dưỡng viên Nguyễn Đức Luỹ, khoa Ngoại chung, Bệnh viện Quân y 110 vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi chia sẻ về kỷ niệm trong quãng thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Trong số 4 điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 110 tham gia lực lượng, Thiếu tá Luỹ là người duy nhất trực thuộc Đội Cấp cứu Đường không thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (còn gọi là bệnh viện 2.4). Đây là bệnh viện cấp cao nhất nằm giữa trung tâm của Phái bộ, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho 15 nghìn nhân viên của Phái bộ. Bệnh viện thường trực cấp cứu 24/24 và Đội Cấp cứu Đường không cũng vậy, luôn sẵn sàng tiếp nhận vận chuyển bệnh nhân, thương binh bằng đường không trong khu vực Phái bộ khi có yêu cầu. Do đặc thù đường bộ ở Nam Sudan rất kém phát triển, mùa mưa không thể di chuyển bằng đường bộ nên việc vận chuyển bệnh nhân nặng chủ yếu thực hiện bằng đường không.
Đội Cấp cứu Đường không có 6 người, gồm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng, chia làm 2 ca, thay nhau trực 24/24. Vì các bệnh viện cấp 1 không có máy bay nên tất cả những ca cấp cứu vượt quá khả năng đều do Đội Cấp cứu đường không đảm nhiệm, vận chuyển về bệnh viện cấp 2 hoặc từ khu vực chiến sự đến bệnh viện gần nhất, tốt nhất, do đó máy bay cấp cứu, vận chuyển thường xuyên bay qua các vùng chiến sự, nơi giao tranh đang diễn ra, việc tiếp nhận, thu dung bệnh nhân thực hiện ngay tại các vùng chiến sự. Bệnh nhân của Đội Cấp cứu Đường không gồm lực lượng Công binh Pakistan, lực lượng Cảnh sát Ghana, các nhân viên Phái bộ Liên Hợp Quốc đến từ các nước: Mông Cổ, Nga, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

 

Thiếu tá, điều dưỡng Nguyễn Đức Luỹ (áo xanh, giữa) với người dân Nam Sudan.


 “Trực thăng bay qua vùng chiến sự, nơi giao tranh đang diễn ra, trên máy bay có 2 nhân viên trinh sát của Phái bộ cùng đi bảo vệ, tất cả các thành viên trên máy bay đều được trang bị đầy đủ bảo hộ. Việc tiếp nhận, thu dung bệnh nhân diễn ra ngay tại các vùng chiến sự. Quá trình giao tiếp trên trực thăng rất khó khăn, đặc biệt là với bệnh nhân do tiếng ồn rất lớn, mọi vấn đề cần trao đổi, các thành viên chủ yếu thông qua ngôn ngữ ký hiệu” - Thiếu tá Luỹ chia sẻ.
Không thể nhớ chính xác số ca cấp cứu, vận chuyển đường không anh cùng kíp trực đã thực hiện, nhưng có những ca bệnh, dù giờ đây đã trở thành ký ức, Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ vẫn không thể nào quên. “Một binh sĩ người Bangladesh bị bắn thủng phổi, dẫn đến tràn dịch, tràn khí khoang màng phổi, mất máu quá nhiều, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp. Trong không gian của khoang trực thăng, bay trên độ cao khoảng 500m, tiếng cánh máy bay kêu to, tình thế cấp bách, việc mở dẫn lưu khí quản, hồi sức cho bệnh nhân khó khăn hơn rất nhiều so với mặt đất” - Nguyên Điều dưỡng trưởng Đội Cấp cứu đường không Bệnh viện 2.4 cho biết. Bệnh nhân được đưa từ Nam Sudan sang Uganda - nơi đặt bệnh viện lớn nhất của Liên Hợp Quốc (bệnh viện cấp độ 2+). Trải qua chặng bay dài 6 giờ, vượt qua khoảng 2.000km, đó là chuyến bay cấp cứu dài nhất mà anh tham gia. Do đã liên lạc từ trước, ngay khi máy bay đáp xuống bệnh viện ở Uganda, kíp trực vừa tiến hành bàn giao bệnh nhân, vừa trực tiếp vào phòng mổ giành giật sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ của kíp cấp cứu cũng là phẫu thuật viên chính. May mắn là sau ca phẫu thuật, hồi sức kéo dài 4 giờ liên tục trong phòng mổ, các chiến binh áo trắng đã thành công giành lại sự sống cho người bệnh. Mười tiếng liên tục trên máy bay và trong phòng mổ nhưng họ không có cảm giác đói bởi áp lực tập trung cứu sống người bệnh luôn bao trùm, họ hiểu rằng, chỉ cần một thao tác chưa chuẩn xác, một động tác chậm chạp, dù chỉ vài giây cũng có thể cướp đi tính mạng người lính kia.
Để trở thành thành viên của Bệnh viện 2.4, mỗi quân nhân phải vượt qua kỳ sát hạch và huấn luyện rất khắt khe. Ngoài yêu cầu về sức khoẻ, thể lực tốt với chiều cao thấp nhất 1,75m, trình độ tiếng Anh đạt tối thiểu 5.0 Chứng chỉ EILTS. Sau khi vượt qua sát hạch chuyên môn và phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh, chỉ có 63 người được lựa chọn từ 200 ứng cử viên ban đầu và bắt buộc phải tham gia kỳ huấn luyện tập trung kéo dài gần một năm trước khi lên đường với đúng chuyên môn vị trí được tuyển chọn. Như Thiếu tá Luỹ và đồng nghiệp thuộc Đội Cấp cứu Đường không, nội dung huấn luyện tập trung vào kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về cấp cứu trên máy bay ở độ cao 500m với những bài tập về các tình huống có thể gặp phải. Nhiều năm làm việc tại khoa Ngoại chung - nơi thường xuyên phải tham gia phẫu thuật cấp cứu, hồi sức những ca bệnh nặng nên đã quá quen thuộc với áp lực cứu sống người bệnh nhân trong hoàn cảnh cấp bách, vì vậy, vấn đề lớn nhất với Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ là phải nhanh chóng thích nghi với không gian và các điều kiện cấp cứu trên không.

 

Sẵn sàng làm nhiệm vụ vận chuyển, cấp cứu trên không (Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ đứng thứ 3 từ trái sang).


Trên không trung, Thiếu tá Luỹ luôn sẵn sàng lao vào những ca cấp cứu, nhưng khi trở lại mặt đất, anh luôn giữ được năng lượng tích cực, tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn cho các đồng nghiệp ở bệnh viện cấp 1. “Hầu như tháng nào, chúng tôi cũng có 1-2 buổi đi giảng ở bệnh viện. Cá nhân tôi đã tham gia giảng dạy ở hơn 10 bệnh viện cấp 1 trong khu vực. Bài giảng được xây dựng trên cơ sở tham khảo giáo án của Học viện Quân y, đã được Tư lệnh về Y tế của Liên Hợp Quốc thông qua” - anh Luỹ chia sẻ thêm.
Không lãng phí thời gian rảnh rỗi, trong gần một năm rưỡi ở Nam Sudan, Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ cùng đồng nghiệp, đồng đội tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học: Thực trạng một số yếu tố liên quan đến nguy cơ gây ra sự cố phóng xạ, hạt nhân trong thời bình (đăng trên tạp chí Y học Quân sự) và Khả năng kháng lại ký sinh trùng Sốt rét của lực lượng Gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Xudan (đăng trên Tạp chí Quân sự Quốc tế).
Qua lời kể của Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ, có thể nhận thấy cuộc sống của các quân nhân Việt Nam tại Nam Sudan là những trải nghiệm nhiều màu sắc. Ngoài thời gian thực thi nhiệm vụ, họ giao lưu văn hoá văn nghệ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, kỹ thuật y tế với các nước bạn trong Phái bộ: “Thời gian rảnh rỗi, chúng tôi trực tiếp đến nơi sinh sống của người dân bản địa. Ở đây, chúng tôi thường tặng quà và dạy học, dạy họ hát, múa các bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điệu múa của dân tộc Việt Nam, dạy họ trồng rau, chăn nuôi… Cùng với việc khám, chữa bệnh cho người dân địa phương, chúng tôi còn hướng dẫn họ cách tái chế rác thải, cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, bảo vệ môi trường và nâng cao môi trường sống...”; “Xung đột kéo dài nên người dân hầu hết không biết chữ, không nhà cửa kiên cố. Ở đó, phần lớn người dân sống ở trại tị nạn, thực phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ, khi ốm đau sẽ được điều trị tại Bệnh viện Bác sĩ không biên giới với nhân viên y tế là lực lượng tình nguyện dân y”; “Khí hậu Nam Sudan rất khắc nghiệt, chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng, nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 40-45 độ C, nhưng ban đêm chỉ còn 10-20 độ C. Do có nhiều kinh nghiệm từ các đoàn đi trước đó, chúng tôi tăng gia bằng cách trồng rau, thả cá, nuôi lợn, dê, gà… vừa để cải thiện bữa ăn, vừa có cảm giác ở gần quê hương”; “Dù xa Tổ quốc, dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi quây quần gói bánh chưng, đón Tết, qua đây giới thiệu và quảng bá những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đến bạn bè quốc tế”…
Trở về quê hương cùng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Tư lệnh lực lượng Phái bộ Liên Hợp Quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Kỷ niệm chương của các nước bạn (Ghana, Mông Cổ, Pakistan) là niềm vinh dự không dễ gì có được, nhưng với Thiếu tá Nguyễn Đức Luỹ “Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Liên Hợp Quốc luôn được người dân Nam Sudan kính trọng và yêu mến là động lực, cũng là niềm tự hào dân tộc không gì sánh được của mỗi người cán bộ, chiến sĩ. Càng hiểu về giá trị của hoà bình, tôi càng thấm nhuần truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của con người và đất nước Việt Nam”.

Ghi chép của Thuỳ Vy