Gặp lại thầy giáo luyện chữ viết nổi tiếng

17/03/2023 19:55 Số lượt xem: 2327
Nhân dịp rằm tháng giêng Quý Mão, tôi về Bắc Ninh gặp mặt bạn bè cũ ngày đầu xuân. Trong những người bạn cũ tôi muốn đến thăm có một thầy giáo già, người bạn vong niên mà gần 20 năm tôi chưa được gặp lại. Ông là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Cao, người thầy giáo nổi tiếng trong phong trào “vở sạch, chữ đẹp” của ngành Giáo dục Bắc Ninh một thời.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Cao (ngoài cùng bên trái) cùng các thầy cô và học sinh giành giải Nhất, Hội thi viết chữ đẹp toàn quốc năm 2002.


Những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, thực hiện chương trình cải cách giáo dục, lớp 1 trong các trường phổ thông viết theo chữ cải cách. Đó là kiểu chữ được thiết kế bằng những nét sổ thẳng, những vạch, đơn giản phù hợp với thời “siêu hiện đại”, lập luận của các nhà cải cách chữ viết thời  ấy là như thế. Nhưng họ chưa thấy được xa hơn: đằng sau nét chữ còn có nết người, rèn tính cẩn thận, khoa học, óc thẩm mĩ…
Tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều em học sinh của cái thời chữ viết ấy. Có em viết xong không đọc được mình đã viết gì. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế một thời gian dài, một số nhà trường cấp 1 nay là cấp Tiểu học chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn chữ cho học sinh. Thêm vào đó là sự ra đời của hằng hà, sa số các chủng loại bút, nhất là bút bi, một công cụ làm chữ học sinh xấu đi một cách nhanh chóng. Sau những phê phán của một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và dư luận xã hội, chúng ta lại quay lại cách viết chữ như xưa. Lại một cuộc hành trình đi tìm cái tưởng như đã mất. Trong cuộc hành trình đó có những con người thầm lặng, kiên trì, chấp nhận mất mát để tìm chữ đẹp cho các thế hệ học sinh và thầy, cô giáo. Thầy giáo tiêu biểu nhất trong cuộc hành trình đó chính là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Cao.
   Sinh ra ở thôn My Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, thầy giáo Nguyễn Hữu Cao có 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cũng là 40 năm, ông kiên trì, bền bỉ trên con đường đầy gian nan đi tìm nét chữ, và xây dựng phong trào “Vở sạch - chữ đẹp”. Ông kể, những năm đầu mới làm giáo viên Tiểu học, dạy học ở tỉnh Hải Dương, ông đã nghĩ cách luyện viết chữ đẹp cho học sinh lớp ông phụ trách. Có một thời gian dài ông chong đèn luyện viết chữ đẹp để dạy học trò. Mày mò quên ăn, quên ngủ, quên cả ngày nghỉ về thăm người vợ trẻ ở quê nhà, ông chỉ luyện cho mình viết chữ đẹp hơn. Nhưng những học trò nhỏ của ông thì không đủ kiên trì như ông. Việc luyện viết chữ viết cho học sinh theo kiểu nắm tay từng em đồ từng nét chữ của ông coi như thất bại.
Sau 5 năm, đến 1968, ông làm lại từ đầu. Mấy chục chữ cái tiếng Việt được ông săm soi quan sát, mổ xẻ và phát hiện ra các chữ cái quốc ngữ được cấu tạo bằng những nét móc, nét khuyết. Ông chia chữ thường thành 3 nhóm, chữ hoa thành 5 nhóm có cấu tạo tương tự và tìm ra cách viết dễ nhất, cách rèn chữ nhanh nhất cho học sinh. Có người khuyên ông: “Người ta đã dùng chữ cải cách, toàn những nét ngang, những nét sổ, ai hơi đâu mà viết nét thanh nét đậm, ông làm gì cho hoài sức. Hãy dùng thời gian kiếm thêm đồng tiền , bát gạo cho vợ con ông đỡ đói lòng…”. Kể ra thì cũng đúng. Những năm tám mươi của thế kỉ trước, nhà giáo và gia đình nhà giáo còn khổ lắm. Quê ông một vùng độc canh cây lúa, cứ mất mùa là đói. Vợ ông làm nông nghiệp, các con ông đang tuổi ăn tuổi học. Lương giáo viên Tiểu học của ông không đủ đong gạo chống đói cho cả nhà. Vợ chồng ông đã phải chống chọi bằng việc trồng hành, trồng tỏi, nuôi lợn… để nuôi 4 cậu con trai không phải chịu đói, không gián đoạn chuyện học hành.
Năm 1975, ông được về quê dạy học. Được sự hỗ trợ, quan tâm, khích lệ của phòng GD-ĐT huyện, ông đã tích cực luyện chữ cho giáo viên, học sinh trong huyện. Những trường ông đã dạy học, từng làm quản lí, cả thầy và trò đều viết chữ đẹp. Đến những năm 2000, giáo viên, học sinh Tiểu học của huyện Lương Tài quê ông đều viết chữ đẹp. Phong trào “Vở sạch - Chữ đẹp” của huyện Lương Tài là khởi nguồn, điểm sáng trong tỉnh và toàn quốc. Năm 2002, ông được giao huấn luyện đoàn giáo viên và học sinh Tiểu học tỉnh Bắc Ninh dự thi viết chữ đẹp toàn quốc. Đoàn Bắc Ninh đã giành giải Nhất. Tiếng lành đồn xa, nhiều huyện, nhiều trường trong tỉnh Hà Bắc cũ, tỉnh Bắc Ninh hiện nay mời ông truyền kinh nghiệm rèn chữ. Nhiều đoàn cán bộ giáo viên các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… mời ông đến hoặc tìm đến tận nơi học tập cách rèn chữ của ông.

Thầy giáo Nguyễn Hữu  Cao (bên trái) và tác giả.


Tôi có đứa cháu học lớp 6, năng lực học hành cũng khá, mỗi tội chữ như gà bới. Nhìn vào vở ghi ở lớp của nó, đố ai luận ra chữ gì. Tôi bàn với bố cháu đến nhờ thầy Cao luyện chữ. Theo thầy 10 ngày kĩ năng viết của thằng cháu tôi khá lên nhiều, chữ đã nét nào ra nét ấy. Nhờ vậy, điểm các bài kiểm tra viết ở lớp của cháu tiến bộ hẳn, không bị cô giáo trừ điểm về chữ viết nữa. Bố con cháu mừng lắm. Ông cho rằng ai cũng có thể viết rõ viết đẹp. Chữ đẹp không phải nhờ có hoa tay mà quan trọng là phải kiên trì rèn chữ.  
Công rèn chữ của ông và phong trào: “Vở sạch - Chữ đẹp” đã được ghi nhận: Năm 1992, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 1997, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Năm 2000, ông được bầu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Bản tham luận của ông đọc trước Đại hội Anh hùng, CSTĐ toàn quốc về “Dạy chữ viết rèn nết người” được các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh; Năm 2001, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo cho đề tài rèn chữ của ông.
Ghi nhận công lao của ông, tỉnh Bắc Ninh đề nghị và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng ông Huân chương Lao động hạng Nhì. Mấy năm đầu nghỉ hưu, chẳng mấy khi ông có mặt ở nhà. Một số trung tâm giáo dục ở Hà Nội mời ông đến các trường học giúp học sinh và giáo viên luyện chữ. Ông bảo như thế cũng vui vì dù nghỉ hưu nhưng vẫn góp công sức của mình cho sự nghiệp trồng người. Một niềm vui lớn nữa của ông là các con ông trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn. Dù ở trong ngành giáo dục hay ngành khác, tất cả đều thành đạt và có địa vị xã hội.
Sau gần 20 năm gặp lại, tôi và ông đều vui mừng, cảm động. Mùa xuân này ông mừng thọ tuổi 80. Anh em tôi vẫn nhớ nhau, ôm nhau thắm thiết, nhắc lại kỉ niệm một thời gian khó. Ngôi nhà mới khang trang do các con ông xây dựng đã thay thế cho ngôi nhà ngói cũ chật chội. Làng My Xuyên của ông giờ đây như một khu phố, đường sá rộng dài, sạch sẽ. Tôi kính phục vợ chồng ông, một ông giáo trường làng, một phụ nữ nông dân ở vùng nông thôn xa đã vượt đói nghèo, vất vả để ông dồn hết tâm trí, sức lực đóng góp cho phong trào giáo dục của quê hương, góp phần vun trồng cho những thế hệ tương lai của quê hương, đất nước.

Nguyễn Đình Tùng

Y tế