“Hồng cốm tốt đôi”, thức quà của mùa thu

13/09/2024 13:53 Số lượt xem: 212
Ai đó đã gọi mùa thu là mùa thơm nhỉ. Mùa gì mà mọi thứ đều thơm tho, tĩnh lặng. Những cánh đồng thơm mùi lúa chín. Những con phố thơm mùi cốm mới. Những gánh hàng hoa dịu dàng hương ngọc lan, hoàng lan. Và cơn gió heo may đầu tiên mang tới mùi ngọt ngào của những chùm hồng trĩu quả. “Tháng chín buôn cốm, bán hồng”, “Hồng cốm tốt đôi”, mùa thu nhất định phải thưởng thức hai thức quà “thời trân” này nhé.

 

Mùa thu hương cốm xanh, ta đã phải lòng những ngày sang thu với hương thơm vấn vương của thức quà thảo thơm, dân dã, không thể nào quên được. Cốm- “thức quà của lúa non”, của mùa thu dịu dàng đã để lại những dư vị rất tình, gây thương nhớ cho những tín đồ yêu mùa thu. Những hạt cốm xanh, thơm mát, dẻo xoắn. Nhón tay bỏ vào miệng ăn nhỏ nhẹ như thấy cả hương vị của đất trời thấm đẫm trong từng hạt ngọc xanh non, ngát thơm đó. Nhưng nhắc đến cốm non thì không thể không nhắc đến quả hồng chín mọng, đỏ au. Lớp vỏ hồng mỏng dính, mượt như nhung, phần thịt bên trong tươi rói, mềm xớt, vị ngọt sắc, hương thơm thoang thoảng. Người ta thường biết đến mùa thu là phải ăn cốm với chuối chín trứng cuốc nhưng cũng ít người biết rằng cốm non mà ăn với hồng đỏ nó ngon như thế nào. Mà hồng ăn cùng cốm thì nhất định phải là như lời nhà văn tài hoa Vũ Bằng đã viết “Một thứ thì giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự ân ái nhịp nhàng”.
Vũ Bằng trong cuốn Thương nhớ mười hai cũng miêu tả hai thức quà trên một cách tài tình như thế này: “Cốm thì xanh biêng biếc mà hồng thì đỏ chói chan, họa sĩ lập thể nào đã dám dùng hai màu đó kết hợp với nhau chưa? Ấy thế mà ở Bắc, cứ đến tháng chín thì nhà trai lại đem đến sêu Tết nhà gái hồng và cốm, hai thứ bày sát với nhau. Nhìn những mâm hồng và cốm tốt đôi như trai gái tốt đôi, ai cũng cảm thấy lòng mình nở hoa và kính sợ tổ tiên ta hơn lên một chút vì sao các cụ lại có thể lựa chọn tài đến thế trong việc chơi màu sắc, đồng thời lại đem cho nhân duyên của trai gái một ý nghĩa đậm đà đến thế”.
Cũng miêu tả hai thức quà “thời trân” này, trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn Thạch Lam lại viết một cách tinh tế biết nhường nào: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… và không bao giờ có hai màu lại hoà hợp hơn được nữa: Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”.
Hồng và cốm là thức quà “thời trân”, là những vật sản của mùa thu vô cùng ý nghĩa. Từ xa xưa, người Việt dùng cốm để làm quà sêu tết. Vì cốm là chất quý trong sạch của Trời nên được dùng trong nghi lễ hôn nhân, với ý nghĩa cầu mong  cho lứa đôi hạnh phúc lâu bền. Cốm và hồng kết hợp để tạo nên một thứ quà trang trọng dùng trong những dịp vui mừng, thăm hỏi, hỉ sự. Có thể dùng để mang biếu ông bà, cha mẹ. Tuy là những vật sản dân dã, không đắt tiền nhưng cốt quý ở tấm lòng, ở ý nghĩa của món quà, thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng của con cái đối với các bậc bề trên, với người sinh thành ra mình. Hồng và cốm kết giao với nhau khăng khít, thủy chung, là lễ vật quan trọng kết duyên đôi lứa, gần gũi thông gia, gắn bó duyên tình. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai đem cốm đem hồng sang nhà gái tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, cho gái trai xứng đôi vừa lứa và cũng là hi vọng vào mối nhân duyên tốt đẹp, vững bền, thủy chung. Cốm xanh màu lưu ly để bên cạnh những trái hồng trứng thắm mọng như biểu tượng của một cuộc tình duyên tươi đẹp, trai gái xứng đôi. Đó là sự hòa hợp giữa vợ với chồng như “hồng cốm tốt đôi”. Khi cốm và hồng ăn vào trong miệng vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi, vừa hòa quện với nhau. Cái vị của chúng khi kết hợp với nhau cũng vậy. Một thứ mộc mạc thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai thứ quyện vào nhau, tôn nhau như tình yêu đôi lứa...
Đọc lại những trang văn tinh tế, hoa nhã của các bậc tài văn xưa càng cho chúng ta những cảm nhận mới mẻ về ý nghĩa của những thức quà dân dã, giúp ta hiểu ra được cái ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong tục lệ giản dị này. Một nét đẹp văn hoá trong đời sống tiềm tàng của dân tộc. Chỉ tiếc rằng hiện giờ những giá trị thuần khiết, thanh nhã ấy đang có nguy cơ mất dần đi.

Yến Minh

Văn học-Nghệ thuật