Ý nghĩa sâu xa của thành phố mang tên Buôn Ma Thuột
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.
Trước chuyến công tác Tây Nguyên, tôi đã tìm hiểu thông qua sách báo về vùng đất, con người nơi đây, những điểm “độc, lạ” để có thời gian thì sẽ tranh thủ khám phá. Ngay khi có thời gian rảnh xen kẽ, tôi nhờ anh bạn thân ở thành phố Buôn Ma Thuột gọi giúp chiếc xe ôm chạy lòng vòng quanh thành phố ngắm nghía. Thật bất ngờ anh tài xế cũng là hướng dẫn viên du lịch, anh giới thiệu rất rành mạch về các điểm du lịch nơi đây như: Bảo tàng thế giới cà phê, Làng cà phê Trung Nguyên và con đường để trở thành “Vua cà phê” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, phố sách cà phê-không gian văn hóa đọc được chính quyền địa phương duy trì từ năm 2018, đặc biệt khu mộ của ông Ama Thuột nằm giữa trung tâm thành phố và cái tên của thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay chính là tên viết tắt làng của ông.
Theo lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng năm chục nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột-làng của cha Y Thuột (tiếng Êđê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột - Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).
Ngay từ thời Pháp thuộc, sau khi ký thành lập tỉnh Đắk Lắk (22-11-1904), người Pháp đã chuyển tỉnh lỵ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Từ thời Sabachiê làm công sứ tỉnh Đắk Lắk (1923), thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để phục vụ cho chính sách thống trị lâu dài của chúng ở vùng đất này. Với những thay đổi to lớn nên ngày 5-6-1930, Khâm sứ Trung kỳ đã ký nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Buôn Ma Thuột không ngừng phát triển, từng bước trở thành một đô thị trung tâm của tỉnh Đắk Lắk và có vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Ngày 21-1-1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập thành phố Buôn Ma Thuột, đây là một dấu ấn quan trọng về sự trưởng thành và phát triển của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Từ một đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột phát triển thành đô thị loại III năm 1995, được công nhận đô thị loại II năm 2005. Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 21 đơn vị hành chính với 8 xã và 13 phường, dân số 380.755 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,8%. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương đang tập trung triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại như: xây dựng đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, hồ Ea Tam, đường tránh động, cao tốc Buôn Ma Thuột Khánh Hòa… Bên cạnh đó phát huy thế mạnh, thành phố đang triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao, đồng thời khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất liên kết chuỗi giá trị, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, ca cao theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho đồng bào nơi đây.