Vực dậy tinh thần cho nông dân

20/09/2024 09:06 Số lượt xem: 640
Lịch sử thiên tai Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh chắc chắn không thể nào quên cơn bão số 3 Yagi với sức tàn phá khủng khiếp của nó. Thiệt hại về vật chất, cơ sở hạ tầng là thấy rõ, nhưng với người dân, lúc này cần lắm sự động viên để họ sớm vực dậy tinh thần tái thiết sinh kế sau đó.

Một tuần sau khi bão đi qua, anh Nguyễn Thanh Liêm, xã Việt Đoàn (Tiên Du) mới nguôi ngoai nỗi chua xót để bắt tay vào công việc khắc phục thiệt hại. Toàn bộ diện tích trang trại gần 7 ha bị bão “cày xới” với khoảng 4.000m2 nhà màng trồng nho hạ đen đổ sập chỉ sau một đêm. Hơn 2.000 gốc mít, bưởi, cây sưa bị bật gốc, rụng quả gãy dập…; hơn 300 con gà bị chết do sập đổ chuồng, ước tính tổng thiệt hại khoảng 5-6 tỷ đồng. “Sau mấy ngày suy nghĩ phương án, tôi mới thuê được vài nhân công dựng lại những cây ăn quả đang nghiêng ngả, thu dọn những cây đã gãy đổ. Việc thuê người khó khăn nên tôi chủ động đề xuất với tổ chức đoàn thanh niên cấp huyện, xã hỗ trợ về nhân lực thu dọn nhà màng. Thật vui vì có 30 thanh niên tình nguyện tập trung vén màng, gom các khung sắt bị đổ, nên một ngày cơ bản công tác dọn dẹp đã xong” - Anh Liêm chia sẻ.

 

Đoàn viên thanh niên xã Việt Đoàn (Tiên Du) hỗ trợ thu dọn nhà màng bị hư hỏng tại nhà anh Nguyễn Thanh Liêm.


Trong khi đó, nhờ kết nối được thông tin với các hội, nhóm trên mạng xã hội chị Đỗ Thị Hương, người có 20 lồng cá trên sông Đuống đoạn qua xã Cao Đức, huyện Gia Bình cũng vớt vát được phần nào thiệt hại. Những ngày đầu khi nước lũ lên, chị hối hả chạy đua với thời gian thu hoạch những con cá còn sống trong các lồng bán cho thương lái. Gọi mãi mới có người tới mua nhưng giá bán giảm đến 2/3, có khi chỉ còn 30-40.000 đồng/kg cá chép giòn. “Trước tình huống nguy cấp, tôi có đăng trên mạng xã hội đề nghị giải cứu một số lồng cá đang thiếu ô xy, nguy cơ mất trắng rất cao. May mắn có một số bạn đặt mua chung qua Facebook, với giá thành 60.000 -75.000 đồng/ kg, cao hơn so với giá thương lái mua nên thu hồi được chút vốn” - Chị Hương cho biết. Trực tiếp cho xe tải gom cá ở bờ đê xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, chị Quỳnh Giang - một đầu mối buôn thủy, hải sản ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du cho biết, trong 1 ngày đã tiêu thụ giúp nông dân ở Lương Tài được 2 tấn cá chép giòn. Sau khi chở về cửa hàng, chị cho nhân công làm sạch, cá bảo đảm chất lượng cùng với tâm lý hỗ trợ nông dân nên khách đặt mua rất đông.     
Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng bão lũ đi qua khiến nhiều nông dân lao đao. Theo  thống kê bước đầu, toàn tỉnh có hơn 82.000 con gia cầm bị chết; 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; hơn 9.700 ha lúa, 971 ha rau màu, 939 ha cây ăn quả, 11ha hoa cây cảnh bị đổ, ngập nước và 25,98 ha diện tích nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng... Trước những hậu quả nặng nề đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên trực tiếp, trao những phần quà tới tay người nông dân. Nhiều người sẵn sàng đóng góp ngày công cùng các hộ bị thiệt hại dọn dẹp nhà màng, nhà lưới, di chuyển đàn gia súc, gia cầm, thu hoạch rau màu… Một số tổ chức đoàn thể, người dân nhanh chóng thông tin trên mạng xã hội để chung tay giải cứu nông sản như cá, thịt gia súc, gia cầm, dưa lưới, ổi, chuối… vơi bớt phần nào thiệt hại. Ngành Nông nghiệp cử các đơn vị chuyên môn, cán bộ hướng dẫn các biện pháp khắc phục thiệt hại sau bão lũ, vệ sinh tiêu độc khử trùng, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ứng phó. Các ngành chức năng cũng khẩn trương rà soát chính sách Trung ương, của tỉnh hỗ trợ do thiên tai làm cơ sở triển khai tới người dân trong thời gian sớm nhất.
Dẫu biết chặng đường phía trước của những người nông dân bị thiệt hại bởi mưa bão hết sức gian nan, nhưng tin tưởng sự động viên kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự sẻ chia của cộng đồng sẽ tiếp thêm nghị lực cho họ xây dựng lại cơ sở sản xuất, theo đuổi con đường làm kinh tế trên quê hương.

Song Giang

Trong nước - Quốc tế