Những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

20/08/2021 20:32 Số lượt xem: 3861
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1930, bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Tháng 6-1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, Đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 12-1944, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 8-1945, Đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 


Tháng 1-1946, Đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 3-1946, là Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương; tháng 10-1946, Đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam (Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 10/1946 - 8/1947; 8/1948 - 12/1979). Tháng 1-1948, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 đến tháng 12-1979, Đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 1-1980, Đồng chí là Phó Thủ tướng Thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Đồng chí từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Một thiên tài quân sự, đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng là nhà văn hóa lớn, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử… và phong trào cách mạng thế giới. Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và bạn bè quốc tế.
Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.
Với 103 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế.

Nguyên Phương (tổng hợp)

Trong nước - Quốc tế