Khắc phục các điểm đê, công trình thủy lợi yếu

22/10/2024 20:20 Số lượt xem: 185
Bão số 3 đổ bộ vào địa bàn tỉnh, hoàn lưu bão và lũ lớn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi; xảy ra nhiều sự cố cần được rà soát, khắc phục, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai từ nay đến hết mùa mưa bão và các năm tiếp theo.

Khắc phục sự cố sụt lún bờ công trình thuỷ lợi Ngũ Huyện Khê, xã Long Châu (Yên Phong) do ảnh hưởng bão số 3.

 

Tại các vị trí km22+180 đến km22+310 và km23+ 450 sông Ngũ Huyện Khê qua địa bàn xã Long Châu (Yên Phong) xuất hiện tình trạng lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông chiều dài 25 m. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy PCTT xã huy động 50 người, 2 máy múc, 3 xe ô tô, hơn 500 cây tre… khắc phục xong các sự cố bằng biện pháp tạm thời, dùng tre đóng cừ hộ chân, bao tải cát lấp vào các vị trí sụt lún và phủ bạt lên mặt đê hạn chế nước mưa thẩm lậu.  Đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Yên Phong, Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Đuống, Sở Nông nghiệp và PTNT để có hướng chỉ đạo, khắc phục lâu dài.
Cùng với sự cố tại công trình thuỷ lợi Ngũ Huyện Khê, ảnh hưởng bão số 3 khiến hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi của tỉnh xuất hiện 246 sự cố, trong đó một số sự cố được xử lý, khắc phục ngay, đáp ứng yêu cầu chống lũ, một số sự cố được khắc phục tạm thời và nhiều sự cố chưa được xử lý. Thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các tuyến đê trên địa bàn tỉnh có 40 sự cố ảnh hưởng đến sự an toàn, cần xử lý, khắc phục ngay để bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình như: Sự cố thẩm lậu, rò rỉ qua thân đê hữu Cà Lồ đoạn từ km8+100 đến km14+350 (Yên Phong) ước kinh phí khắc phục khoảng 25 tỷ đồng; sự cố sạt trượt mái đê hữu Cầu đoạn từ km35+470 đến km35+885 (Yên Phong) ước kinh phí khắc phục khoảng 10 tỷ đồng; sự cố nước rò qua bể xả Trạm bơm Văn Thai (Lương Tài) ước kinh phí khắc phục khoảng 25 tỷ đồng. Đối với hệ thống công trình thuỷ lợi, xuất hiện 206 sự cố kênh mương, trạm bơm (Khu vực Nam Đuống 114, Bắc Đuống 92), trong đó 92 sự cố lún, nứt, vỡ bờ tả, bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê với kinh phí khắc phục khoảng 37 tỷ đồng cần được xử lý ngay để bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình.
Những năm tới, tình hình mưa, bão còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống ứng phó với mưa, bão, thiên tai, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động rà soát những thiệt hại hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi đề xuất biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn cho các công trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai
Là cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT đang khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi, đề xuất xử lý ngay đối với những sự cố, công trình, vị trí có nguy cơ mất an toàn; tổ chức rà soát quy định về quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác xử lý sự cố; tổ chức kiểm tra ngay việc thực hiện công tác sẵn sàng “4 tại chỗ” của các cơ quan, đơn vị liên quan tại các vị trí trọng điểm, xung yếu; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức khảo sát, điều tra, đánh dấu vết lũ, lưu trữ tài liệu sau bão số 3 để cập nhật trong phương án ứng phó thiên tai của tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai trong thời gian tới…
Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi là tài sản công của Nhà nước phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn, tính mạng tài sản của nhân dân. Ngành Nông nghiệp đề xuất UBND tỉnh bố trí phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ chi trả cho các phần công việc đã thực hiện xử lý triệt để các sự cố; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện đối với các hạng mục công trình thuộc diện khẩn cấp và các hạng mục cống dưới đê, công trình thủy lợi xảy ra sự cố trong thời gian vừa qua nhưng chưa được xử lý, khắc phục; phối hợp với các địa phương rà soát các công trình trọng điểm xung yếu trong đợt mưa, lũ vừa qua có nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai thực hiện bảo đảm an toàn lâu dài cho hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nguyễn Tuấn

Thương mại - Dịch vụ