Trải nghiệm nhịp sống Seoul

27/09/2024 22:25 Số lượt xem: 37
Sau hơn 4 giờ bay, chiếc Boeing của hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc đưa đoàn nhà báo chúng tôi từ Nội Bài đáp xuống sân bay quốc tế Incheon lúc 20 giờ ngày 18-8, giờ Hàn Quốc.

Tôi biết các thành viên trong đoàn, từ PGS-TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Trưởng đoàn, đến các anh chị báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng… từng chu du nhiều nước trên thế giới, nhưng đến xứ Hàn thì chưa. Bởi vậy, khi ngồi trên chiếc xe du lịch loại 45 chỗ bóng nhoáng đưa đoàn băng đảo Incheon về thủ đô Seoul, mọi người đều hào hứng thưởng lãm kỳ tích sông Hàn trong ngập tràn ánh đèn đêm trên quãng đường 60 km cao tốc từ sân bay đến trung tâm thủ đô.

 

Một tuyến tàu điện ngầm hiện đại tại Seoul, khai trương tháng 11-2023

 

Rời sân bay khoảng 60 phút, chúng tôi có mặt tại trung tâm Seoul. Mọi người từ ngạc nhiên đến ngơ ngác không hẳn bởi những cao ốc tráng lệ được quy hoạch một cách bài bản, mà chính ở sự vắng lặng của số lượng người và phương tiện giao thông trên đường phố Seoul lúc 21 giờ. Hoá giải những băn khoăn, cô phiên dịch có tên Haeri, cười ồ: Các các chị chưa biết đâu, ở Hàn Quốc có 2 thủ đô Seoul, một Seoul trên mặt đất và một Seoul trong lòng đất. Nhịp sống trong lòng đất rất sôi động, ngay bây giờ đây, cách chúng ta mấy chục mét từ mặt đất xuống dưới lòng đất đang có hàng triệu người tất tả với những công việc cuối ngày đấy ạ! Cả đoàn thở phào nhẹ nhõm rồi nhìn nhau cười, thì ra là như vậy!
Đêm đầu tiên ở xứ kim chi, tôi gần như thức trắng hí hoáy máy tính, điện thoại tìm hiểu xem nhịp sống Seoul trong lòng đất là như thế nào? Hoá ra, Heari đang nói đến (hay đang khoe?) hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Seoul từng được hãng thông tấn CNN (Hoa Kỳ) đánh giá là hiện đại và bận rộn bậc nhất thế giới. Hơn 2 giờ sáng, mười đầu ngón tay của tôi vẫn ấn lia lịa vào Google tìm kiếm các kết quả mình đang cần, đọc mà choáng luôn: Diện tích Seoul (thủ đô, thành phố đặc biệt) chỉ khoảng 600 km2, nhỏ hơn tỉnh nhỏ nhất Việt Nam là Bắc Ninh (hơn 820 km2), nhưng dân số thường trú ở thủ đô là gần 10 triệu người, chưa kể trong vòng 24 giờ, nhiều triệu người lao động từ các địa phương thuộc vùng Seoul như thành phố đô thị Incheon, tỉnh Gyeonggi-do… cũng tấp nập đến Seoul làm việc, sáng đi tối hoặc đêm về… Ấy vậy mà trong nửa tháng ở Seoul, chưa hôm nào chúng tôi chứng kiến tắc đường, kể cả giờ cao điểm, có chăng chỉ ùn một chút là thông luôn. Trên đường phố cũng hoàn toàn vắng bóng cảnh sát giao thông, có lẽ hệ thống giao thông thông minh và quan trọng là ý thức người dân đã khiến Seoul nhanh chóng ghi điểm trong lòng du khách gần xa. Ngó đường sá sạch sẽ như lau, cầm trên tay chiếc tăm nhựa cũng không ai nỡ vứt ra khi như chưa nhìn thấy các thùng rác công cộng.
Theo ý kiến của trưởng đoàn, PGS-TS Mai Đức Ngọc, sau những buổi học và đi thực tế ban ngày, các nhà báo phải dành thời gian trải nghiệm cuộc sống đêm trong lòng đất Seoul. Đấy cũng là mong muốn của cánh nhà báo vốn tò mò ở quốc gia nhỏ xinh diện tích chưa bằng 1/3 Việt Nam, cũng trải qua chiến tranh nhưng đến nay quy mô kinh tế của họ đã vươn lên thứ 10 thế giới.
Nhờ chủ động nghiên cứu từ trước, khi đoàn đề cập vấn đề tàu điện ngầm tại Seoul, tôi tỏ vẻ am tường: Tuyến tàu điện ngầm ở xứ sở kim chi khai trương năm 1974, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 21 thế giới có tàu điện ngầm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển loại hình giao thông này của xứ Hàn thì đến Hoa Kỳ cũng phải ngả mũ. Từ một tuyến ở nội đô, đến nay tàu điện ngầm đã toả đến các trung tâm vùng Seoul với 24 tuyến và gần 800 nhà ga; độ dài các tuyến cộng lại hơn 1.350 km; mỗi ngày chở 8 triệu lượt khách… Với số lượng 8 triệu lượt khách/ngày, hệ thống tàu điện ngầm tại Seoul được đánh giá là bận rộn bậc nhất thế giới. Trên mặt đất, cứ vài trăm mét lại có đường xuống ga tàu điện ngầm, nhìn rất nhỏ xinh nhưng bước sâu xuống mấy chục mét là cả một thế giới khác sôi động và mênh mông. Gần như trên mặt đất bày bán thứ gì thì những thứ ấy có trong lòng đất. Mỗi ga tàu điện ngầm đều được đặt theo tên, số, màu sắc và dễ đối chiếu trên ứng dụng Naver Map. Một ga có nhiều đường tàu, mỗi đường tàu lại hiển thị màu sắc khác nhau. Với ưu thế tiết kiệm hơn nhiều taxi và không phải thay đổi nhiều chuyến như xe buýt nên người dân Hàn luôn xem đây là ưu tiên số 1. Hệ thống thẻ giao thông cũng rất tiện lợi cho cả khách trong nước và nước ngoài, có thể dùng chung cả xe buýt và tàu điện ngầm.

 

Bên trong một toa tàu điện ngầm tại Seoul, Hàn Quốc.


Nhờ hệ thống giao thông thông minh và tiện lợi, trong các buổi tối trải nghiệm tàu điện ngầm, đoàn chúng tôi không có người phiên dịch nhưng gần như không gặp bất cứ vướng mắc nào. Tất nhiên, một phần nhờ chị Vụ phó Nhà xuất bản Sự thật và chị chuyên viên Ban quốc tế Học viện Báo chí, các chị nhanh nhẹn tự tin và đặc biệt thông thạo tiếng Anh nên dễ dàng trong xử lý các tình huống. Các biển báo ở Seoul đều viết song ngữ tiếng Hàn và tiếng Anh. Tầm 10 giờ đêm, trong các nhà ga và các toa tàu điện ngầm vẫn ken đặc người. Đông vậy nhưng không có cảnh xô đẩy chen lấn, trên tàu mọi người chủ yếu trao đổi với nhau bằng cử chỉ hành động mà ít nói to. Nếu có thường là khách… ngoại quốc! Nhờ tàu điện ngầm, chúng tôi được trải nghiệm những địa điểm nổi tiếng khắp Seoul như Lotte Wourd, cung Cảnh Phúc, đại thư viện Starfield… Nhờ tàu điện ngầm, chúng tôi còn được khám phá nhiều điều thú vị về văn hoá xứ Hàn. Đặc biệt, nói là tàu điện ngầm nhưng có đoạn di chuyển cả trên mặt đất để du khách thưởng lãm những cảnh đẹp tuyệt vời của thủ đô Seoul bên bờ sông Hàn thơ mộng.
Trải nghiệm nhịp sống Seoul trong lòng đất chỉ là một trong nhiều khám phá của đoàn nhà báo những ngày công tác, học tập tại Hàn Quốc, nhưng trông người lại nghĩ đến ta. Bao giờ Hà Nội và các thành phố lớn của ta bắt kịp nước bạn trong tổ chức, xây dựng và điều hành mạng lưới giao thông thông minh như vậy?
Chợt nhớ hôm làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (ngày 29/8), Tham tán Lê Anh Tuấn thông tin, Việt Nam và Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển nồng ấm nhất từ trước đến nay, đặc biệt từ năm 2022 khi 2 nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu Đông Nam châu Á. Tại Việt Nam hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư còn tại Hàn Quốc, hiện có gần 300 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và khởi nghiệp… Thiết nghĩ, trong nhiều vấn đề hợp tác, chúng ta cần chú trọng đến vấn đề quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông thông minh đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Một khi hệ thống giao thông đồng bộ, nhiều nút thắt sẽ được mở ra, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH mà cả ta và nước bạn cùng đang hướng tới…

Ghi chép Thanh Tú