Thương dân nên các vua triều Lý không xây lăng mộ

17/09/2024 21:05 Số lượt xem: 545
Sơn lăng cấm địa - nơi an nghỉ cuối cùng của vị vua triều Lý hiện nằm ở khu Ao Sen, thuộc cánh đồng phường Đình Bảng (thành phố Từ Sơn), cách đền Đô khoảng 800m về phía Đông Bắc. Từ xưa, nơi yên nghỉ của các vua triều Lý chỉ là những ngôi mộ đắp đất đơn giản, không dựng bia. Đây là điều rất đặc biệt bởi trong lịch sử nước ta chỉ có các vua triều Lý là không xây lăng cho mình. Điều lạ lùng này xuất phát từ tư tưởng thương dân, không muốn làm tốn kém tiền bạc, làm nhọc sức dân của Lý Thái Tổ - vị vua khai sáng vương triều Lý.

Sử gia Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Sách nổi tiếng “Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý” từng nhận định sâu sắc: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”. Lại có câu “Lý Thái Tổ xuất thân học Phật/Lấy đức lành dạy bảo dân yên/Lẫy lừng, phạt Tống bình Chiêm/Mấy trăm năm Lý, văn minh rạng ngời”. Là một triều đại ghi dấu nhiều chiến công chói lọi, tạo nên “thế nước thật vững vàng, vun đắp tình đoàn kết dân tộc” nhưng nơi yên nghỉ của các bậc minh quân có công khai sáng Thăng Long, mở mang nền văn minh Đại Việt lại chỉ đắp đất giản dị.
Tương truyền, theo lời di huấn của đức vua Lý Thái Tổ trước lúc băng hà đã căn dặn các quan không được xây lăng bằng gạch, đá mà chỉ đắp bằng đất. Làm như thế có ba điều lợi: Thứ nhất, quân lính thời bình, nếu có thương nhớ nhà vua thì gánh đất đắp lên. Lăng cao bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Thứ hai, khi lăng cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò ăn cỏ đấy, lớn béo cày ruộng tốt cho dân. Thứ ba, đây cũng là nơi vui chơi của các trẻ mục đồng, khi ngồi trên lăng vua thì biết tên vua, các em càng gần vua càng nhớ tới công ơn của bậc tiền nhân mà trở thành người tốt. Vì thế, theo lời truyền, lăng các vua Lý chỉ xây miếu rồi đắp đất lên trên. Đầu thế kỷ XVII nhà Lê trùng tu cho đắp lại toàn bộ các lăng mộ nhà Lý, mỗi lăng cao trung bình khoảng 15-20m so với mặt ruộng.

 

Lăng Lòng Chảo - nơi an nghỉ của vua Lý Thái Tổ.

 

Cả ngàn năm lịch sử qua đi với biết bao thăng trầm và những biến thiên thời cuộc, nơi an nghỉ của các bậc minh quân triều Lý, tức Sơn lăng cấm địa (còn gọi khu Thọ Lăng Thiên Đức) tuy chỉ là những ngôi mộ bằng đất đơn sơ, giản dị song vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Người dân địa phương, đời nối đời thay nhau quan tâm chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ tôn nghiêm di tích.
Toàn bộ khu Thọ Lăng Thiên Đức hình bầu dục, rộng 180m, dài 1.400m gồm 11 lăng: Lăng Lý Thái Tổ (tức lăng Lòng Chảo); lăng Lý Thái Tông (lăng Cả); lăng Lý Thánh Tông (lăng Hai); lăng Lý Nhân Tông (lăng Ông Voi); lăng Lý Thần Tông (lăng Đồng Gio); lăng Lý Anh Tông (lăng Đường Thuẫn); lăng Lý Cao Tông (lăng Thủ Sơn); lăng Lý Huệ Tông (lăng Long Trì); lăng Lý Chiêu Hoàng (lăng Cửa Mả); lăng Lý Thánh Mẫu (lăng Phát Tích); lăng Nguyên Phi Ỷ Lan (lăng Nương Dâu). Với hệ giá trị vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, nằm trong không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống, từ thế kỷ 19, sách “Bắc Ninh dư địa chí” đã khẳng định, đây là hệ thống di tích đế vương quan trọng hàng đầu của cả nước. Ngày 31-12-2014, hệ thống di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt”.
Những năm gần đây, Khu di tích lăng mộ các vua triều Lý được quan tâm bảo tồn, làm đường bê tông vào từng lăng, xây tường bao bảo vệ, trồng lại cây báng, tạc dựng bia đá tưởng niệm, xây ở mỗi lăng một miếu thờ để nhân dân mỗi khi tới thăm có nơi thắp hương tưởng niệm. Bao bọc xung quanh mỗi lăng vua là cánh đồng lúa xanh bát ngát, giữa khung cảnh thanh bình, tĩnh tại, gợi nhắc về một triều đại hưng thịnh, nhân văn và no ấm.

Thuận Thanh (Tổng hợp)