Nông nghiệp thông minh - Khát vọng vươn tầm

12/06/2023 20:50 Số lượt xem: 1245

Kỳ 2: CHẶNG ĐƯỜNG GẬP GHỀNH KHÓ ĐI

Câu chuyện điều khiển sản xuất nông nghiệp chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh của anh Nguyễn Xuân Khiêm, Giám đốc HTX công nghệ cao Tâm Phúc tưởng như đơn giản, nhưng chúng tôi được biết, để đạt đến kỳ tích đó là cả một sự gian khó phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả nước mắt. Song cũng như nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) khác trên địa bàn, con đường đến với nền sản xuất nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh của anh Khiêm còn rất nhiều việc phải làm bởi những khó khăn, thử thách đặt ra từ cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư hay từ chính tư duy, quan điểm của các chủ thể sản xuất và nhất là mục tiêu mà nền nông nghiệp thông minh hướng đến.

 

 

Trở lại câu chuyện làm nông nghiệp thông minh của anh Khiêm, chúng tôi được biết, để đầu tư hơn 4 tỷ đồng chỉ trong 1 năm xây dựng 9 khu nhà màng, anh phải tập trung huy động các nguồn lực từ người thân, bạn bè. Mỗi lần nhập thiết bị, mua giống mới hoặc vật tư , anh lại chạy vạy nhiều nơi: “Thực sự chúng tôi dùng số tiền tích lũy nhiều năm để đầu tư chứ chưa được tiếp cận vốn vay ưu đãi hay chính sách hỗ trợ nào. Mỗi khu nhà màng diện tích 1.000 m2 khi đi vào hoạt động đòi hỏi số tiền đầu tư khoảng 350 triệu đồng, chưa bao gồm các hạng mục khác như bể nước tổng, tưới tiêu nội khu. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để giảm bớt áp lực tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu”, anh Khiêm chia sẻ.
 Có thể thấy, phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, chi phí xây dựng được một chuồng kín nuôi gà quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp CNC, cần khoảng 2-3 tỷ đồng (gấp 4 lần - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng - 15 tỷ đồng. Đây là số vốn quá lớn với hầu hết nông dân muốn thay đổi quy trình sản xuất.

 


Một thách thức nữa đến từ vấn đề quy hoạch đất đai. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cần phải có đất đai với quy mô đủ lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong khi hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch đồng bộ, ổn định, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm, rất manh mún. Chính sách đất nông nghiệp lại chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Là một trong những người mạnh dạn cải tạo khu đồng trũng ở thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ (Lương Tài) từ năm 2015, anh Phạm Công Huân xây dựng hệ thống chuồng kín diện tích 500 m2 nuôi lợn đẻ theo phương thức hiện đại. Đến nay, anh thuê đất ở nhiều địa phương để mở rộng diện tích trang trại hơn 9 ha với tổng đàn 100 con lợn nái, 1.000-2.000 con lợn thịt, 80 lồng cá... Số tiền đầu tư lên đến 15 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có tính ổn định về lâu dài. Chia sẻ với chúng tôi, anh Huân cho biết: “Việc thu gom đất để cải tạo và sản xuất là một quá trình gian nan. Tới thời điểm này, hầu hết diện tích thuê để làm trang trại chủ yếu là giao dịch viết tay giữa tôi và các hộ dân, hoặc với thôn, xã, vì thế, không thể thế chấp vay mượn ngân hàng, khiến cho việc xoay sở nguồn vốn duy trì, mở rộng quy mô trang trại càng khó. Tôi rất mong muốn được nhà nước hỗ trợ về thủ tục đất đai, để yên tâm đầu tư”.
Tuy nhiên, điều mà nông dân “kêu” nhiều hơn cả khiến họ e dè khi đầu tư vào nông nghiệp CNC là thị trường nông sản luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thị trường sản phẩm của sản xuất nông nghiệp CNC càng gặp nhiều khó khăn. Ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Tiến, xã Trung Kênh băn khoăn: “Sản xuất đã khó, tiêu thụ còn khó khăn hơn. Kể từ khi chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng VietGap, các hộ nuôi cá đều kỳ vọng sẽ kết nối được với các mối tiêu thụ ổn định, sản lượng lớn. Thế nhưng, chưa bao giờ giá cả biến động mạnh như bây giờ, từ chi phí đầu vào đến đầu ra. Giá thức ăn công nghiệp quá cao còn giá bán thương phẩm quá thấp, kéo dài. Mặc dù chúng tôi cũng giao hàng cho một số đơn vị đã ký hợp đồng nhưng không tránh khỏi những lúc bị ép giá”. HTX hiện có 200 lồng cá, năng suất mỗi lồng khoảng 4 đến 6 tấn/ lồng. Mỗi lần thu hoạch đều xoay sở các mối để tiêu thụ cho kịp. Ở góc độ này, có thể đánh giá, việc chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin trong các giai đoạn sản xuất dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, hộ sản xuất. Đây là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân gặp phải kiến họ khó đầu tư mở rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC theo đúng như kỳ vọng về một nền nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh.

 

 

Từ câu chuyện của những người tiên phong trên con đường thay đổi nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hiện đại, chúng tôi cảm nhận rõ những suy tư, trăn trở luôn thường trực trong họ bởi việc hiện thực hóa khát vọng làm chủ trên đồng đất quê hương còn đang ở phía trước với rất nhiều gian nan, thử thách. Quả vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp thì nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng CNC (cơ giới hóa, tự động hóa...); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin). Để đạt được một mô hình hoàn chỉnh như vậy, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, lâu dài với những nguồn lực rất lớn. Đúng như ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thẳng thắn chia sẻ: “Phải khẳng định rằng, cũng như trên địa bàn cả nước, ở Bắc Ninh chưa có những mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh. Hầu hết trang trại, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp mới chỉ đang ứng dụng theo từng phần của công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa... Đây là một thực tế bởi việc xây dựng được những mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh là cả một quá trình gian khó với những thách thức lớn mà các chủ thể sản xuất không dễ dàng giải quyết trong “một sớm, một chiều”...”.

 

 

Cũng theo các chuyên gia nông nghiệp thì thách thức đầu tiên và bao trùm chính là hiện nay đang thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho phát triển nông nghiệp thông minh nên các hoạt động diễn ra theo hướng tự phát, hoặc theo sự điều chỉnh của những chính sách riêng lẻ, thậm chí phụ thuộc chính vào các yếu tố của thị trường. Đối với các cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh thì còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với thực tiễn nhất là việc đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khó tiếp cận… Điều này dẫn đến chưa khuyến khích, động viên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nền nông nghiệp thông minh từ các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và thậm chí từ cả các nhà quản lý... Chính vì thế khó khăn hiện hữu trong phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh của tỉnh cũng như cả nước hiện nay chính là thiếu nguồn vốn đầu tư lớn; thiếu các công nghệ, máy móc, thiết bị, phần mềm ứng dụng trong cả quản lý và sản xuất; thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số và cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp để phục vụ nhu cầu của các chuỗi giá trị...  
Trong khi đó, thực tế các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, HTX, nông dân...) và cả các cấp, ngành chức năng ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, xu thế tất yếu của việc chuyển đổi sang nền sản xuất nông nghiệp thông minh nên chưa có sự đầu tư thỏa đáng. Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững của phát triển nông nghiệp thông minh. Thậm chí vì lợi ích trước mắt, vì nguồn lực hạn chế mà nhiều doanh nghiệp, HTX và người nông dân vẫn cố kết với mô hình sản xuất cũ, không mạnh dạn, quyết tâm đầu tư, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, công nghệ thông minh.
Điển hình của thực tế này là các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC của tỉnh hiện nay rất thiếu lao động có trình độ, có khả năng tiếp cận, chuyển giao KHKT vào sản xuất. Tìm hiểu tại Công ty TNHH Hương Việt Sinh (Việt Đoàn, Tiên Du), chúng tôi được biết, doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Ninh từ năm 2015 và hiện có 10 ha sản xuất bao gồm hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại thích ứng với nhiều điều kiện thời tiết. Trong đó, 4.000 m2 nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trồng các loại dưa chuột Kichi, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, cà chua… sản lượng thu hoạch khoảng 35 tấn/năm; 12.000 m2 nhà lưới trồng cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau muống... sản lượng thu hoạch khoảng 120 tấn/năm. Với quy mô đó, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động nông nghiệp, song hiện nay đa phần họ chỉ tuyển được lao động lớn tuổi tại địa phương và phần lớn chưa qua đào tạo nên gặp rất nhiều khó khăn vận hành quy trình sản xuất cũng như đánh giá hiệu quả, thời gian làm việc, khó đáp ứng được quá trình sản xuất công nghệ cao đòi hỏi độ chính xác, tỉ mỉ. Đặc biệt, với mô hình sản xuất hiện đại đòi hỏi người nông dân phải nắm bắt, biết sử dụng công nghệ thông tin một cách thông thạo, phải có thêm kiến thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng và công nghệ sinh học…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiện nay cùng với những thách thức đặt ra cho thấy con đường hướng đến một nền nông nghiệp thông minh quả thật rất gập ghềnh khó đi với rất nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành, các chủ thể sản xuất cùng những cách làm bài bản, những giải pháp đồng bộ và hiệu quả mới có thể đạt được những thành công như kỳ vọng.

 

Kỳ 1: Những bước nhảy vọt


Kỳ 3: Hiện thực hóa khát vọng

Phóng sự của Nguyên Hoài Thương