Gìn giữ nghệ thuật truyền thống - Cách làm hiệu quả từ Phú Mẫn

28/10/2024 10:20 Số lượt xem: 178
Thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong) là một làng cổ, thời phong kiến, được coi là làng khoa bảng trong vùng khi có đến 3 người đỗ Tiến sĩ và nhiều người khác đỗ đạt cao. Từ xưa, Phú Mẫn cũng nổi tiếng với nhiều nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc… Hiện nay, các cấp, các ngành và người dân nơi đây vẫn trân trọng, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Tý (năm 2018 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân hát tuồng), Chủ nhiệm CLB Tuồng Phú Mẫn mới điện khoe với chúng tôi, CLB vừa được nhận Giải thưởng văn hóa, nghệ thuật Đào Tấn năm 2024. Đây là giải thưởng do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi xướng từ năm 2000 nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa đất nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Trong 18 tập thể, cá nhân được trao giải thưởng Đào Tấn năm 2024, CLB Tuồng Phú Mẫn là một trong hai đơn vị vinh dự được trao giải Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc. Giải thưởng không chỉ làm giàu thêm thành tích của CLB Tuồng Phú Mẫn mà còn là sự động viên, khích lệ kịp thời để địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống.

 

Một cảnh trong vở tuồng “An Tư công chúa” do CLB Tuồng Phú Mẫn biểu diễn phục vụ nhân dân đầu Xuân 2024.


Nhiều lần về Phú Mẫn, chúng tôi được nghe các thành viên CLB Tuồng Phú Mẫn và người dân khẳng định sự quan tâm của địa phương đối với việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống. Sự quan tâm này không chỉ ở việc địa phương sớm cho chủ trương gìn giữ, phát triển mà còn thể hiện rõ qua việc thường xuyên động viên, khích lệ các CLB, người dân tập luyện, biểu diễn; tuyên truyền để người dân thấy được cái hay, cái đẹp từ đó thêm yêu, trân trọng, đồng hành với nghệ thuật truyền thống. Địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện để các câu lạc bộ tham gia hội thi, hội diễn, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện lớn của địa phương; đề nghị các cấp, ngành hữu quan quan tâm, xét tặng các danh hiệu… Riêng với cơ sở vật chất, cũng ít nơi quan tâm như ở Phú Mẫn. Vốn là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng, nên từ năm 2009, khi CLB Tuồng Phú Mẫn được thành lập thì thôn đã dành 1 phòng ở hội trường thôn cho CLB làm phòng truyền thống. Mới đây, câu lạc bộ tiếp tục được địa phương quan tâm giao cho khu hội trường của trường mầm non (đã chuyển sang trụ sở mới) để đầu tư kinh phí sửa sang làm phòng truyền thống, làm nơi gặp mặt, tập luyện.
Sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự nhiệt huyết, tình yêu và quyết tâm của các nghệ sĩ, nghệ nhân, người dân nơi đây đã giúp cho nghệ thuật hát tuồng được gìn giữ, phát huy. Minh chứng cho việc này chính là nghệ thuật tuồng ở Phú Mẫn vẫn phát triển, thu hút đông đảo nhạc công, diễn viên tham gia tập luyện và biểu diễn trong khi nhiều nơi tuồng đã mai một. Nhiều người của câu lạc bộ được các cấp, các ngành phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân; hàng loạt giải thưởng, Huy chương tại các hội thi, hội diễn, liên hoan trong tỉnh và toàn quốc mà giải thường Đào Tấn năm 2024 là minh chứng; nhiều chương trình, trích đoạn được các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, địa phương ghi hình, phát sóng… Quan trọng hơn cả là đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong nhân dân. Điều này thể hiện rõ nhất mỗi khi CLB Tuồng Phú Mẫn biểu diễn nhân dịp hội làng lại có hàng nghìn người dân đủ các lứa tuổi, thành phần đến xem, ủng hộ kinh phí.
Ngoài nghệ thuật hát tuồng, Phú Mẫn cũng quan tâm gìn giữ, phát triển các loại nghệ thuật truyền thống khác. Ví như việc gìn giữ nhạc lễ ở Phú Mẫn. Theo các bậc cao niên kể rằng, trong các làng Chờ xưa, Phú Mẫn là làng Chờ cả nên mới có tục lệ vào đám 5 ngày (các làng khác vào đám 3 ngày), đây cũng là làng duy nhất có đền. Vì thế cứ xuân thu nhị kỳ, người dân lại tổ chức tế lễ. Có lễ, có tế thì ắt có nhạc. Nhạc lễ ở Phú Mẫn đặc sắc, khác lạ so với các nơi khác từ giai điệu và mức độ sử dụng. Nghệ nhân Nguyễn Ðức Tý kể rằng, ông từng là nhạc công, nhạc trưởng của Nhà hát Tuồng Ðà Nẵng và Ðoàn Tuồng Hà Bắc. Sau khi về nghỉ hưu tại quê, được sự cho phép và khích lệ của thôn, xã và người dân, ông đã tìm gặp những bậc cao niên trong làng để tìm hiểu, sưu tầm, ghi chép, chỉnh lý những bài nhạc cổ cho đăng đối phù hợp, rồi hướng dẫn đội nhạc của thôn tập luyện. Đội nhạc lễ của Phú Mẫn có thể chơi thành thục nhiều bài như: Trống Phán lôi công kèn tế, Lưu thủy thượng, Long ngân, Ngũ đối thượng, Dâng rượu, dâng hương, Hóa chúc, lễ tất. Những bản nhạc tế này mỗi khi được cất lên ai nấy đều cảm nhận được sự trang nghiêm, cùng một giai điệu ngân nga, sâu lắng riêng biệt.
Không chỉ quan tâm gìn giữ nghệ thuật truyền thống, thôn Phú Mẫn cũng luôn quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích, di sản trên địa bàn, tiêu biểu như hệ thống đình, chùa Phú Mẫn được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đưa quê hương ngày thêm phát triển nhanh và bền vững.

Lê Đại