Chuyện về nữ y sỹ “nhảy dù” hơn 20 năm làm Trạm trưởng

07/04/2023 18:27 Số lượt xem: 3743
Chân bước thoăn thoắt, khi nói hoặc giải thích cũng rất ngắn gọn, dứt khoát, dễ hiểu… Dường như vẫn thấp thoáng đâu đó bóng dáng của một nữ quân y trong tác phong làm việc của bác sĩ Đỗ Thị Huyện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Bão, huyện Tiên Du. Hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với y tế cơ sở, trải qua những thăng trầm của nghề Y, chị vẫn luôn giữ được tình yêu đặc biệt với blouse trắng.

Mất mẹ từ khi mới 4 tuổi, chị gái cũng mất lúc 14 tuổi vì bệnh hiểm nghèo… trong trí nhớ của bác sĩ Huyện, tuổi thơ của chị là chuỗi ngày cả gia đình xáo trộn vì những người thân yêu phải nằm viện nhiều hơn ở nhà. Thiếu nửa điểm để vào Đại học, sợ phải lấy chồng sớm, cô gái Đỗ Thị Huyện viết đơn xung phong đi bộ đội. Được tôi luyện trong môi trường Quân đội nhiều thử thách, Đỗ Thị Huyện nhanh chóng trưởng thành, chị được đi học cảm tình Đảng khi mới 19 tuổi. Vào thời điểm đó, chị là một trong hai cá nhân được cử đi học Quân y sỹ tại Trường Trung học Quân y I (Tổng cục Hậu cần).
Sau 3 năm học, tốt nghiệp loại Giỏi, nữ y sỹ Đỗ Thị Huyện về công tác tại khoa Ngoại, Viện 48 (Đồng Bành, Lạng Sơn); tháng 4-1991, Viện 48 giải thể, cấp trên điều động chị về công tác tại Viện 91 (Quân khu 1). Do hoàn cảnh khi đó, chồng cũng là bộ đội đang công tác tại biên giới phía Bắc, bản thân nuôi con nhỏ, nơi quê nhà mẹ già bệnh tật đau yếu, chị làm đơn xin về phục viên, tạm gác lại ước mơ làm nghề Y chữa bệnh cứu người. Sau 4 năm xoay vần với cơm, áo, gạo, tiền, đến tháng 4-1995, khi Nhà nước thay đổi cơ chế, nhận y sỹ về công tác tại trạm y tế, chị làm hồ sơ và được tuyển, tiếp tục được hiện thực hoá ước mơ khoác blouse trắng.

 

Bác sĩ Đỗ Thị Huyện đang khám bệnh cho một bệnh nhân.

 

Chuyển từ quân y sang dân y cũng đồng nghĩa với việc phải qua không ít trở ngại của nghề, chị Huyện hài hước nhận mình là “y sỹ nhảy dù”. Khi đó, Trạm Y tế xã Việt Đoàn nơi chị công tác có 4 cán bộ, yêu cầu về vai trò, chức năng của các trạm Y tế khi đó cũng khác bây giờ lắm. Ngày đó, trạm chủ yếu đỡ đẻ và tiêm phòng. Vốn xuất thân từ Quân y, không được đào tạo chuyên sâu về Sản khoa, nên những ngày nghỉ trực, nghỉ bù, chị lại sang Trạm Y tế Hiên Vân - đơn vị có nữ hộ sinh đỡ đẻ rất giỏi để học, đáp ứng yêu cầu công việc. Bác sĩ Huyện nhớ lại “Có đêm, trực một mình mà có đến 3 trường hợp phụ nữ chuyển dạ. Ca này chưa cắt rốn xong, ca kia đã rặn đẻ. Thời đó chưa có máy siêu âm, phụ nữ cứ mang thai đến khi đau bụng là ra trạm và ống nghe là phương tiện duy nhất chẩn đoán. Những trường hợp sinh đôi cũng vậy, sản phụ sinh xong, còn muốn rặn tiếp, vẫn đau bụng thì lại áp ống nghe để nghe tiếng tim thai…”.
Trong trí nhớ của chị, thời đó, chẳng mấy ai đến trạm khám, điều trị, thường thì người dân chỉ đến trạm xin giấy chuyển viện. Câu chuyện thu hút bệnh nhân đến trạm y tế xã cũng được chị chia sẻ bắt đầu từ những ngày xa ấy: “Khi có người đến xin giấy chuyển, tôi hỏi “Bác ốm thế nào mà xin giấy?”. Sau những bệnh nhân đầu tiên khỏi bệnh, người dân bắt đầu tin tưởng điều trị tại trạm”.  

Bác sĩ Đỗ Thị Huyện (đi đầu) và đồng nghiệp trong một đợt khám, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại nhà cho người già, yếu. Bức ảnh được người dân chụp và gửi tặng chị.


Làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Việt Đoàn 7 năm, đến 2003, chị đi học bác sỹ tại Đại học Y Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học, bác sĩ Huyện được điều động về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Bão và gắn bó từ đó đến nay. Là một người tâm huyết với y tế cơ sở, bác sĩ Đỗ Thị Huyện luôn nghĩ làm thế nào để công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng hiệu quả. Ngay khi tiếp cận địa bàn mới, nữ bác sĩ tìm hiểu đặc điểm dân cư, nhu cầu của người dân, từ đó có phương pháp điều hành, quản lý sát với thực tế. Theo phân tích của chị, nếu như ở giai đoạn trước, tại Trạm Việt Đoàn, hoạt động chuyên môn chủ yếu là chăm sóc bà mẹ trẻ em, thì sang giai đoạn sau, tại Liên Bão, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được xác định các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Truyền thông giáo dục sức khoẻ, cấp cứu - khám chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng. Ngay cả trong hoạt động truyền thông cũng có sự thay đổi phù hợp: “Có thời kỳ, truyền thông giáo dục sức khoẻ là phát loa nhiều lần trong ngày, nhưng sau này, khi các phương tiện nghe, nhìn đa dạng hơn, công tác truyền thông trực tiếp mới thực sự hiệu quả”.
Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, đảm nhiệm vai trò là tuyến đầu trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân như hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở phải “gánh” thêm nhiều nhiệm vụ. “Làm y tế cơ sở cũng như “làm dâu trăm họ”, khó thì khó thật nhưng nếu đặt quyền lợi sức khỏe người dân lên hàng đầu, luôn hướng đến cộng đồng để tìm giải pháp thì khó mấy cũng làm được” - Trạm trưởng Huyện quả quyết. Chị dẫn chứng: “Đối với mỗi chương trình cần có tư duy riêng. Ví dụ, trong truyền thông về phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi cần phải phân tích những nguyên nhân nguy cơ như từ thói quen ăn uống, sinh hoạt… Có truyền thông trực tiếp mới biết, còn nhiều người dân không biết hoặc không nghĩ mình trong nhóm nguy cơ. Cách truyền thông của tôi không hoa mỹ, dài dòng mà sử dụng cách nói dân dã, đơn giản, dễ hiểu…
Những lời giải thích sinh động của bác sĩ Đỗ Thị Huyện không chỉ thu hút, tạo sự tin tưởng và thuyết phục được nhiều người dân đến với Trạm Y tế xã Liên Bão, mà còn giúp họ nâng cao nhận thức về phòng bệnh chủ động bằng cách khám định kỳ, khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị.
Thái độ chân thành, chuẩn mực và lòng nhiệt huyết với nghề của bác sĩ Đỗ Thị Huyện góp phần tạo nên sự đoàn kết trong tập thể cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Liên Bão. Uy tín của Trạm từng bước nâng lên, tạo dựng lòng tin bền chặt nơi người dân đã trả lời cho câu hỏi vì sao Trạm Y tế xã Liên Bão chỉ cách Trung tâm Y tế huyện chưa đầy 2km, xã có đến 3 trong tổng số 6 thôn lên Trung tâm còn gần hơn ra trạm xá mà nơi đây vẫn đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và quản lý ngoại trú. Năm 2022, dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Trạm vẫn tiếp nhận gần 5,7 nghìn lượt khám, điều trị, tăng hơn 13% so năm 2021 và vượt 34% so kế hoạch. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu về chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày một nâng cao, phần lớn người bệnh đều nghĩ tuyến trên tốt hơn thì mỗi tháng đều đặn có trên, dưới 500 lượt bệnh nhân đến khám tại Trạm là con số rất nhiều trạm y tế ước ao có được.

Ghi chép của Thuỳ Vy