Tăng trưởng tín dụng, chất và lượng song hành
Điều đáng ghi nhận là lưu chuyển dòng vốn có sự cân bằng hợp lý, nguồn vốn huy động từ dân cư và dư nợ tín dụng đều tăng. Mức chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngân hàng cấp trên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng linh hoạt, chủ động tiếp cận khách hàng, thường xuyên cung cấp thông tin về các gói sản phẩm tín dụng, hỗ trợ khách hàng vay vốn với chi phí lãi suất tối ưu. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh doanh nghiệp được thực hiện bài bản, hiệu quả với nhiều hợp đồng tín dụng được ký kết. Các ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tín dụng trọng điểm theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, của tỉnh. Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02-2023/TT-NHNN và Thông tư 06-2024/TT-NHNN, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 246 lượt khách hàng, tổng giá trị đạt 2.400 tỷ đồng; tổng dư nợ của khách hàng có khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.039 tỷ đồng.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến nay có 2 dự án được vay với doanh số đạt 170 tỷ đồng, dư nợ 164 tỷ đồng; giải ngân cho 7 khách hàng là người mua nhà, doanh số 2,93 tỷ đồng, dư nợ 2,22 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công Dự án khu nhà ở xã hội (thị xã Quế Võ) do Công ty TNHH Tùng Bách làm chủ đầu tư, tiếp cận và làm việc với Agribank Chi nhánh Bắc Ninh II. Kết quả, sau khi tiến hành thẩm định và hoàn tất hồ sơ, thủ tục có liên quan, dự kiến Agribank Bắc Ninh II sẽ giải ngân tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng, lần giải ngân đầu tiên thực hiện trong tháng 10.
Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh giải ngân cho vay, hỗ trợ người dân phục hồi phát triển kinh tế.
Nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính tới hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) Chi nhánh Bắc Ninh phối hợp Hội LHPN tỉnh triển khai chương trình vay vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình của hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Đối tượng khách hàng là các cá nhân hoặc doanh nghiệp và Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; LPBank bảo đảm nguồn vốn vay, có ưu đãi đến các hội viên, tạo điều kiện và hướng dẫn hội viên phụ nữ sử dụng vốn đúng mục đích đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát huy quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Đến nay, doanh số cho vay mới theo một số chương trình tín dụng trọng điểm của ngành Ngân hàng tỉnh đạt 107.850 tỷ đồng, dư nợ 70.682 tỷ đồng với 4.609 khách hàng còn dư nợ (trong đó 2.849 khách hàng doanh nghiệp và 1.760 khách hàng là đối tượng khác), dư nợ cơ cấu lại nợ thông qua chương trình đạt 967 tỷ đồng đối với 25 khách hàng, hỗ trợ khác cho 172 khách hàng với dư nợ 455 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thạc Quảng, Giám đốc NHNN tỉnh, thực hiện song hành hai nhiệm vụ, vừa đẩy vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp phục hồi SXKD vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN tỉnh phát động phong trào thi đua trong toàn ngành. Chỉ đạo, điều hành các TCTD tập trung tăng trưởng đi đôi với kiểm soát, tăng cường các hoạt động theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn được thực hiện hiệu quả. Bức tranh tín dụng có sự cân bằng giữa huy động vốn và cho vay, song hành cả chất và lượng. Đây sẽ là đòn bẩy cho sự đi lên trong biểu đồ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành năm 2024 (mục tiêu tăng trưởng từ 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế). Cùng với những chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng sẽ sát cánh cùng mọi đối tượng khách hàng trên con đường phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội chung của toàn tỉnh.