Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

28/06/2024 10:21 Số lượt xem: 244
Tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD), nhiều giải pháp đồng bộ được ngành Ngân hàng tỉnh triển khai thực hiện kịp thời ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, giảm lãi suất cho vay, ưu đãi lãi suất đối với món vay mới, cơ cấu lại nợ được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của không ít DN còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khiến bài toán tăng trưởng tín dụng gặp trở ngại, đòi hỏi sự cố gắng, chủ động hơn nữa của các tổ chức tín dụng (TCTD) để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2024.

Khách hành giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Bắc Ninh.

 

Theo số liệu NHNN tỉnh, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tăng khoảng 2,5% so cuối năm 2023 (là một trong 11 đơn vị trên toàn quốc có tăng trưởng dương hơn 2%), tuy nhiên mức tăng chưa như kỳ vọng đối với tỉnh có mật độ công nghiệp và đô thị hóa cao như Bắc Ninh. Nguyên nhân chậm do hoạt động SXKD vẫn chịu tác động tiêu cực như: thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động; chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ dẫn tới nhu cầu vốn vay hạn chế.
Xét chung toàn Ngành tăng trưởng tín dụng chưa cao, song vẫn có một số ngân hàng TMCP nhà nước có mức tăng trưởng dư nợ tốt. Điển hình như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Ninh, dư nợ tăng trưởng 9% so với cuối năm 2023. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh thì tổng quy mô huy động vốn của đơn vị đạt gần 17.000 tỉ đồng, dư nợ đạt 18.000 tỉ đồng. Do tình hình kinh tế gặp khó khăn chung, khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân trên địa bàn bị hạn chế, thậm chí dư nợ tín dụng của đơn vị bị giảm trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhằm hỗ trợ vốn cho khách hàng đẩy mạnh SXKD, từng cán bộ tín dụng từ Chi nhánh đến các Phòng giao dịch sâu sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu theo từng phân khúc hỗ trợ khách hàng một cách tối ưu nhất, nên từ quý II dư nợ lấy lại đà tăng trưởng dương. Trong tháng 5 và 6 tăng gần 2.000 tỉ đồng so với tháng 4, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Toàn ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14% trong năm 2024. Mục tiêu này thấp hơn so với mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho hệ thống các TCTD tại các địa phương. Song vẫn là thách thức không nhỏ cho tăng trưởng tín dụng bởi tăng trưởng tín dụng phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, vào hoạt động SXKD của DN. Theo ông Nguyễn Thạc Quang, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, thực hiện song hành hai nhiệm vụ, vừa đẩy vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ tích cực để DN phục hồi SXKD vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN tỉnh phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành. Chỉ đạo, điều hành các TCTD tập trung tăng trưởng đi đôi với kiểm soát, tăng cường các hoạt động theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng rẻ. Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, rút ngắn quy trình xử lý, xét duyệt và thẩm định, phê duyệt hồ sơ tín dụng. Theo dõi sát diễn biến tình hình hoạt động của DN, thực hiện linh hoạt điều hành lãi suất để cung cấp các gói vay phù hợp với tình hình thực tế

 

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh.


Tính từ đầu năm, NHNN  ban hành 8 văn bản (gồm 1 Chỉ thị, 01 Quyết định, 1 Thông báo, 5 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng. Cùng với đó, NHNN triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt, nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỉ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỉ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn, tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong tiếp cận tín dụng. Ngày 18-6-2024, NHNN đã ký ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31-12-2024. Đây là một trong những đòn bẩy quan trọng để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn cũng như tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hà Linh

Kinh Tế