Loại bỏ ô nhiễm môi trường
Tại Văn bản chỉ đạo số 1671 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và số 3688 của Chủ tịch UBND khẳng định quan điểm nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh: Tăng cường xử lý, tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, chất thải tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn. Yêu cầu các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm phải xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, có lộ trình, mốc thời gian đóng cửa, di dời, chuyển đổi tất cả các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, bảo đảm hoàn thành trước 31-12-2024. Hàng tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực) phải tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương trên với tỉnh để có phương án tháo gỡ, xử lý kịp thời.
Trên tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, tỉnh giao thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong, Tiên Du thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm trong khu dân cư và CCN làng nghề, kiên quyết yêu cầu dừng sản xuất đối với tất cả các cơ sở không bảo đảm các yếu tố môi trường, vi phạm đất đai, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy… Đề cao công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về môi trường, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ sản xuất, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong chấp hành chủ trương của tỉnh về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề.
Đến thời điểm hiện tại, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, các địa phương quyết tâm hoàn thành mục tiêu di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, bảo đảm các yếu tố phát triển hài hoà, bền vững. Thành phố Bắc Ninh được đánh giá cao khi là địa phương tiên phong, với nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường từ sản xuất giấy, vốn tồn tại hàng trăm năm tại phường Phong Khê. Với ý chí quyết tâm của tập thể, trách nhiệm cao của người đứng đầu thành phố, hết tháng 10, thành phố cơ bản hoàn thành kế hoạch đóng cửa, chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư. Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong CCN Phong Khê I và II, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Đây là bài học thực tiễn để các huyện Yên Phong, Tiên Du áp dụng hiệu quả vào địa phương mình. Được biết, Yên Phong, Tiên Du cũng họp, bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết về xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm ô nhiễm trên; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tổ chức đối thoại với chủ cơ sở sản xuất; thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các nguồn thải gây ô nhiễm; kiên quyết thực hiện lộ trình đóng cửa, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư trước 31-12-2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Lực lượng Công an từ tỉnh đến huyện cũng tăng cường kiểm soát hoạt động các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm tra các nguồn nguyên liệu, phế liệu đầu vào; bảo đảm an ninh trật tự địa phương, xử lý nghiêm các hành vi chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ…
Những động thái tích cực này sẽ loại bỏ các điểm ô nhiễm môi trường làng nghề nghiêm trọng trong năm 2024, đáp ứng tối ưu nhiệm vụ tăng trưởng xanh của tỉnh.