Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng nội lực cho nền kinh tế

25/10/2024 14:11 Số lượt xem: 182
Với mong muốn giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế, thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh luôn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Sản xuất các sản phẩm quang học tại Công ty CP Manutronic Việt Nam (KCN Tiên Sơn).

 

Đã gần nửa tháng song dư âm của hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất” do Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chủ trì vẫn còn được các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh nhắc đến. Với tinh thần "Đồng hành cùng làm - Cùng thắng", Bắc Ninh cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả. Với định hướng đó, Bắc Ninh đang nỗ lực cao nhất xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, những nỗ lực này sẽ không chỉ dừng lại ở việc cải cách thủ tục hành chính mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như phát triển hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mạnh mẽ.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy trình, thủ tục gây rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Trung tâm Hành chính công tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh và giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng. Các Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính duy trì hoạt động hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược. Cụ thể, những dự án như hoàn thiện Quốc lộ 18 mới, đường Vành đai 4 hay các tuyến đường trọng điểm nội tỉnh như H1, H2 sớm được triển khai và phân kỳ đầu tư; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra cơ hội đầu tư mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Nhiều dự án giao thông trong đó có Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô (đoạn qua địa phận tỉnh) đang được đẩy nhanh tiến độ giúp Bắc Ninh cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Cùng với đó, các ngành, địa phương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh như giảm miễn thuế, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm, kịp thời chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tổng dư nợ cho vay đạt gần 183.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt hơn 135.000 tỷ đồng, chiếm 74,1% và tăng 14,8%. Các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại với cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước được triển khai thường xuyên. Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân ở trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Từ những biện pháp tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm của tỉnh dù mới đạt mức tăng trưởng 5,52% song đây là tín hiệu tích cực sau năm 2023 bị tăng trưởng âm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng tăng cao 20,5% so với cùng kỳ năm 2023 đạt 24.354 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt hơn 97%. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 3.670 doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động. Trong đó, có 2.876 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 31,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% về số doanh nghiệp và tăng 21,8% về tổng vốn đăng ký so cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới vượt 10 tỷ đồng (đạt 10,9 tỷ đồng/doanh nghiệp và tăng 8,2% so cùng kỳ). Điều này cho thấy những tín hiệu và niềm tin tốt hơn của các doanh nghiệp, chứng tỏ năng lực về tài chính, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cải thiện.

Thời gian tới, ngoài việc duy trì thực thi các giải pháp hữu hiệu kể trên, tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư. Trọng tâm là thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Các ngành, các địa phương đổi mới phương pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng duy trì phát triển các doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, xương sống của tỉnh như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành nghề theo định hướng “3 cao, 2 ít”, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn. Riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình, dự án nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bằng các biện pháp đồng bộ, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đúng theo phương châm "thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh", góp phần tăng nhanh nội lực cho nền kinh tế.

Y.N

Kinh Tế