Chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải hành khách

09/10/2024 14:44 Số lượt xem: 120
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý vận hành, hình thành dữ liệu quản lý của các ngành, kho dữ liệu của tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị trong Đề án Chuyển đổi sổ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 – 2030; hiện nay, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đang thay đổi các ứng dụng phổ thông bằng các ứng dụng công nghệ cao, số hóa hoạt động vận tải, góp phần tiết kiệm chi phí đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khách hàng thanh toán trực tuyến khi sử dụng dịch vụ taxi Xanh SM.

 

Trước đây, muốn mua vé xe khách để di chuyển giữa các địa phương, người dân phải đến bến xe xếp hàng đợi mua vé. Việc này tốn khá nhiều thời gian và chi phí đi lại. Thời điểm lễ tết, nhu cầu đi lại tăng cao, việc xếp hàng lấy vé lại càng khó khăn. Còn hiện nay, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hành khách đi xe có thể dễ dàng đặt vé. Thậm chí, với các hãng xe triển khai phần mềm bán vé, không chỉ mua được vé xe, khách hàng còn biết số giờ đi – đến, số km hành trình, các điểm dừng, đỗ trong suốt chuyến đi của mình.

Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (quê huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang làm việc và cư trú tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) cho biết: "Do quê xa nên bản thân em và gia đình thường xuyên sử dụng xe khách để di chuyển. Hiện tại, các nhà xe sử dụng số điện thoại đường dây nóng và tổng đài đặt vé điện tử giúp người đi xe rút gọn thời gian, thủ tục…, thuận tiện hơn rất nhiều so với việc mua vé ở bến như trước".

Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trên tất cả các lĩnh vực vận tải. Trong đó, vận tải hành khách được đánh giá có sự thay đổi, chuyển biến nhiều nhất. Thay vì ghi danh sách khách hàng đặt vé vào sổ thì nay dữ liệu khách hàng được cập nhật trên phần mềm điện tử. Điện thoại bàn được chuyển sang số hotline tích hợp tổng đài. Thay vì việc phải nhớ từng ngõ, phố để đón khách dẫn đường thì nay lái xe có chỉ dẫn tự động bằng bản đồ trên điện thoại. Hay việc nhập liệu và ghi sổ kế toán thủ công nay đã được chuyển sang tự động trích xuất hay xem ngay trên phần mềm quản trị vận tải hành khách. Hầu hết các công đoạn trong hoạt động vận tải đều đã được số hóa, giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và quan trọng nhất là hạn chế sai sót do thao tác thủ công.

 

Hãng taxi Thăng Long Bắc Ninh điều hành hoạt động qua phần mềm dùng chung.

 

Trong quá trình phát triển, hướng tới nền kinh tế số, các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi chiến lược từ giá cước, dịch vụ, công nghệ để có thể đứng vững và phát triển trên thị trường vận tải. Trong đó, thay đổi về công nghệ được xem là nền tảng quyết định sự phát triển của loại hình vận tải này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với gần 3.000 đầu xe các loại. Để tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ, nhiều hãng taxi ứng dụng app đặt xe, thanh toán trực tuyến để phục vụ khách. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân có thể cài đặt app bán vé của các nhà xe để đặt vé và thanh toán trực tuyến, không sử dụng tiền mặt. Theo thông tin từ các hãng taxi, việc ứng dụng việc chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh đã giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm đến 20% chi phí vận hành và tăng 10% đến 30% doanh thu.

Anh Nguyễn Đình Xuân, Chi nhánh Bắc Ninh- Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM (taxi Xanh SM) đánh giá: "Công ty đáng hướng tới công nghệ quản lý tốt hơn, khai thác tiềm năng lớn hơn, nâng cấp công cụ như định vị, đồng hồ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Việp áp dụng công nghệ, chuyển đổi số khiến doanh nghiệp có thể tổng hợp số vé, doanh thu, khách hàng và bộ phận điều hành có thể nắm bắt được vị trí các xe ở gần địa điểm khách đặt xe trên phần mềm, từ đó, điều xe kịp thời nhất, tránh chi phí di chuyển đối với các suất xe chạy không khách".

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số trong vận tải hành khách đã và đang tạo nên những thói quen mới ở cả doanh nghiệp vận tải và hành khách. Doanh nghiệp có thêm khách hàng, tăng doanh thu, người dân đi lại đã thuận tiện hơn nhiều. Việc đưa công nghệ vào các hoạt động của lĩnh vực vận tải cũng giúp minh bạch thông tin về giá cả, cung đường, giờ chạy… Do đó, hành khách có căn cứ để lựa chọn đơn vị vận tải chất lượng tốt, và môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này vì thế cũng trở nên minh bạch và công bằng hơn.

Yến Ngọc

Kinh Tế