Agribank tiên phong chuyển đổi số

30/10/2024 20:31 Số lượt xem: 155
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Hiện Agribank trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán của hơn 60.000 khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ thanh toán, hơn 20.000 khách hàng vay vốn tại Agribank.

Máy CDM chuyển tiền, rút tiền tự động của Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh.

 

Để trở thành ngân hàng hiện đại, đóng góp tích cực thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Agribank xác định công tác chuyển đổi số là mục tiêu xuyên suốt với định hướng “khách hàng là trung tâm”. Ngân hàng tăng cường phục vụ khách hàng trên kênh điện tử, mang lại những trải nghiệm tốt nhất trong sử dụng dịch vụ thanh toán trên ứng dụng công nghệ số cho khách hàng. Agribank tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán của khách hàng, từng bước thích nghi với nền kinh tế số.
Đối với kênh phân phối ATM/CDM và EDC/POS, Agribank phát triển hơn 18 triệu thẻ ghi nợ nội địa trên toàn hệ thống, gần 1 triệu thẻ thấu chi, thẻ Lộc Việt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm dịch vụ thẻ được mở rộng, bảo đảm  thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, góp phần quan trọng trong phát triển mạng lưới thanh toán, hướng tới số hóa toàn bộ dịch vụ thẻ. Dịch vụ thẻ với đầy đủ các chức năng cơ bản như đăng ký thông tin khách hàng bằng sinh trắc học khuôn mặt/vân tay; mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, giao dịch tài chính tại CDM (rút tiền, nạp tiền, chuyển khoản…), giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông thôn với sản phẩm thẻ Lộc Việt sử dụng công nghệ tích hợp chức năng của thẻ tín dụng nội địa và thẻ ghi nợ nội địa góp phần thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán, lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.
Điểm đáng chú ý là thời gian qua, Agribank tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia vào hoạt động ngân hàng. Hiện tại, hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của Agribank đã cung cấp cho khách hàng đầy đủ các tiện ích như mở tài khoản, đăng ký các dịch vụ ngân hàng số/ngân hàng điện tử, đăng ký thông tin vay vốn hay đặt lịch hẹn trực tuyến... một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bằng việc xác thực khách hàng dựa trên dữ liệu, thông tin từ căn cước công dân (CCCD) gắn chip với Bộ Công an, khách hàng của ngân hàng có thể yên tâm đăng ký và sử dụng các dịch vụ số một cách thuận tiện, an toàn, hiệu quả, hạn chế các rủi ro về giả mạo/chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản trên không gian số.
Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai hệ thống ATM có khả năng giao dịch rút tiền bằng CCCD.  Đặc biệt, đối với dịch vụ ngân hàng điện tử Agribank Plus, Agribank đã thực hiện những bước thay đổi tích cực giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tiện ích gia tăng khác. Phiên bản Agribank Plus được cập nhật mới nhất vào giữa năm 2024 với những điểm mới về giao diện và hệ sinh thái thanh toán tiện ích, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm liền mạch, tiện lợi từ máy tính (PC/laptop) đến các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng). Theo số liệu thống kê, doanh số thanh toán qua kênh điện tử của Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh và Agribank Bắc Ninh II, bình quân đạt hơn 1 đến 1,6 triệu giao dịch/tháng, giá trị đạt 5.000 tỉ đồng/tháng.
Là ngân hàng chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động là phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, nhất là khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Với những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, Agribank đã và đang góp phần cùng hệ thống ngân hàng và chính quyền địa phương sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Hà Linh

Kinh Tế