Đổi thay từ những cánh đồng lớn ở Thuận Thành

30/08/2021 21:11 Số lượt xem: 2773
Đi dọc triền đê sông Đuống đoạn qua huyện Thuận Thành tại các xã Hoài Thượng, Đình Tổ, Đại Đồng Thành, không khó bắt gặp những vườn cam, chuối rộng hàng chục ha vươn lên xanh ngút ngàn. Còn phía bên trong, tại các xã Nguyệt Đức, Nghĩa Đạo, ngày càng nhiều trang trại hiện đại. Từ một vài cánh đồng mẫu, đến nay phong trào xây dựng cánh đồng lớn đã phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp ở Thuận Thành.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn phát triển mạnh. Đặc biệt từ khi các khu công nghiệp Thuận Thành 2, 3 đi vào hoạt động thu hút lượng lớn lao động chuyển sang, sản xuất nông nghiệp không được chú trọng. Lúc này, người nông dân nhận thức rõ hơn hình thức canh tác nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả, buộc phải thuê gom lại đất và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất tập trung. Các mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả, cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm, đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng nhà lưới, nhà kính, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt... sản xuất rau, hoa cao cấp. Các biện pháp kỹ thuật về bón phân và phòng trừ sâu bệnh, quy trình sản xuất VietGap...được triển khai góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Mô hình cánh đồng lớn còn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn kết hợp giữa cây trồng với vật nuôi theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định.

 

Mô hình trồng hoa, cây cảnh trên diện tích 9 ha của anh Lê Thành Đạt (thôn Thư Đôi, xã Nguyệt Đức).


Tốt nghiệp đại học về quê, anh Nguyễn Văn Hịu (xã Nghĩa Đạo) mạnh dạn mở trang trại được gần 10 năm nay. Nhìn thấy những thửa ruộng xung quanh trang trại của mình bị bỏ không rất lãng phí, Hịu cùng với anh Nguyễn Văn Thử thuê lại hơn 60 mẫu để trồng lúa. Nhờ sự ủng hộ và hỗ trợ của xã, các anh làm việc với hơn 200 hộ dân để vận động cho thuê lại ruộng. Trên diện tích lớn, anh khoanh vùng để đưa máy làm đất, máy cày, áp dụng máy cấy và gieo vãi đồng loạt giống tẻ đỏ, Bắc Thơm số 7. Kết thúc mùa vụ đầu tiên, năng suất lúa bình quân đạt hơn 2 tạ/sào (cao hơn trước khi tích tụ). Vụ mùa 2021, các anh đang liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa JO2 của Nhật Bản. Anh Thử chia sẻ: “Sản xuất tập trung theo vùng đem lại nhiều lợi ích trong việc gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, việc ứng dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng thuận lợi hơn nhiều cả về thời gian và chi phí. Mục tiêu của chúng tôi là hình thành vùng sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm quy mô lớn để ký hợp đồng liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm”.
Cũng nhờ cải tạo được diện tích đất ven đê hơn 20 ha, từ năm 2017, HTX sản xuất nông nghiệp Quang Tiến (xã Đại Đồng Thành) đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi hiện đại, biệt lập khu dân cư, đáp ứng các điều kiện chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại đó, chuồng trại được hoàn thiện hệ thống chống nóng, điều hòa không khí, nước uống tự động, máng ăn inox… hầm biogas và hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, tạo dựng mô hình VAC kết hợp, trồng cây ăn quả, cây dược liệu và nuôi cá cho doanh thu hơn 12 tỷ đồng/năm tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, mức thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Phạm Công Quang, Giám đốc HTX vui mừng: “HTX rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương để được thuê đất với thời gian lâu dài, nhằm ổn định sản xuất và mở rộng quy mô”.

 

Mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa hàng hóa của anh Nguyễn Văn Thử, thôn Nhiễm Dương (xã Nghĩa Đạo).


Được biết, toàn huyện Thuận Thành có 103 tổ chức, cá nhân tích tụ được 455 ha ruộng đất quy mô từ 1 ha trở lên. Trong đó, 77 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao, 25 vùng sản xuất rau, màu có giá trị kinh tế cao tập trung (khoai tây, cà chua, cà rốt)... Tổng diện tích chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 451,8 ha. Kết quả khảo sát, tổng thu nhập bình quân theo năm của một mô hình tích tụ ruộng đất ước đạt 13 tỷ đồng, thu nhập bình quân 175,7 triệu/hộ/năm.
Để tiếp tục mở rộng các mô hình cánh đồng lớn, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất thuê đất, gom đất, liên kết với nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi về nông nghiệp về vốn, hạ tầng, kỹ thuật, giống... Đặc biệt, rà soát, tham mưu quy hoạch các vùng chuyên canh cụ thể tại từng vùng để từ hiệu quả kinh tế thấy rõ, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn thực sự là điểm nhấn phát triển ở các địa phương.

Huyền Thương

Kinh Tế