Đô thị vệ tinh Vùng Thủ đô

29/01/2024 08:20 Số lượt xem: 2456
Bắc Ninh đang trên hành trình xây dựng thành phố trực thuộc T.Ư theo hướng hiện đại, văn minh vào năm 2030 và từng bước vươn lên là một đô thị có sức phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị vệ tinh năng động, giàu sức hút trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Nắm bắt xu hướng phát triển mới, Bắc Ninh bổ sung tính chất “thông minh” cho đô thị toàn tỉnh, quyết tâm trở thành điểm đáng đến và đáng sống trong hiện tại và tương lai.

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển đô thị

Quy hoạch, phát triển đô thị (QH, PTĐT) theo hướng hiện đại, đồng bộ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc T.Ư. Để các đồ án QH bảo đảm chất lượng, bao hàm tính khoa học, tầm nhìn và nhất là có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn phát triển, ngành Xây dựng chú trọng từ khâu thẩm định, phê duyệt đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín và tăng cường lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Do đó, công tác QH, PTĐT toàn tỉnh đạt nhiều kết quả bền vững, có điểm nhấn và tạo sự bứt phá, làm nền tảng cho hoạt động thu hút đầu tư.

 

Công tác quy hoạch góp phần xây dựng thành phố Bắc Ninh văn minh, hiện đại.


Điển hình là việc trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt QH tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (QHC) đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội, các địa phương định hướng và kết nối QH, giao thông và đường vành đai IV qua địa phận Bắc Ninh. Phê duyệt đồ án điều chỉnh QHC đô thị Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du; đề xuất lập các đồ án QH đô thị làm cơ sở thu hút đầu tư. Tích cực triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, QH chi tiết, khu đô thị, khu nhà ở quy mô lớn tại Quế Võ, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh, Yên Phong...

Một góc Hồ điều hòa Văn Miếu.  Ảnh: YẾN MINH

Với việc đồ án điều chỉnh QHC đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 được phê duyệt, nhiều dự án, đồ án QH được khai thông. Toàn tỉnh tiến hành rà soát, lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu; lập QH chi tiết các khu đô thị quy mô lớn trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, Tiên Du… theo định hướng hiện đại, văn minh, sinh thái, thông minh, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Các ngành, địa phương tăng cường quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại gắn với bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chú trọng bảo tồn và phát triển nhiều không gian xanh, mặt nước gắn với các khu đô thị du lịch, sinh thái như: Phật Tích, Núi Dạm, Thiên Thai, hành lang xanh sông Đuống, sông Cầu.  

Dồn lực đầu tư hạ tầng, đáp ứng mục tiêu nâng cấp đô thị

Song song với hoạt động QH, Bắc Ninh tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhờ vậy, hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển nhanh về chất và lượng với 12 đô thị, khu vực dự kiến trở thành đô thị. Theo lộ trình phát triển, đến năm 2025, thành phố Từ Sơn phấn đấu đạt đô thị loại II; Tiên Du đạt đô thị loại IV; xã Trung Kênh, Lâm Thao đạt tiêu chí đô thị loại V. Về quy mô toàn tỉnh, Bắc Ninh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Thực hiện các mục tiêu trên, các địa phương đẩy mạnh đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tiêu biểu về cấp nước sạch và xử lý nước thải, đơn vị chức năng rà soát thực trạng và đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương. Đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh (công suất 45.000m3/ngày đêm); nâng công suất nhà máy nước, trạm cấp nước sạch các xã... bảo đảm đủ lưu lượng, áp lực và chất lượng nước sạch, phục vụ nhân dân. Các sở, ngành cũng tích cực tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (sử dụng công nghệ đốt rác phát điện) và các lò đốt tạm thời khu vực nông thôn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Về hạ tầng giao thông, toàn tỉnh tiến hành nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện các nút giao liên thông trên các tuyến Quốc lộ; xây dựng mới các tuyến đường tỉnh, trục chính đô thị, các tuyến đường kết nối các KCN với đô thị… tạo sự liên thông trong toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết: Cả trong ngắn và dài hạn, Bắc Ninh đang nỗ lực phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế và bảo vệ cảnh quan, môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào QH và xây dựng các đô thị, công trình thông minh, từng bước tiến tới xây dựng tỉnh là đô thị thông minh, sinh thái. Rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng đô thị như: Trung tâm văn hoá, thể thao; công viên, hồ điều hoà, bệnh viện, hệ thống thu gom và xử lý nước thải… Tập trung tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phát triển các khu đô thị quy mô lớn có tính chất điểm nhấn gắn với khu chức năng đô thị cấp vùng; công trình hạ tầng kỹ thuật khung liên quan đến giao thông đối ngoại, liên vùng. Đặc biệt là QH, phát triển không gian ngầm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển đô thị Bắc Ninh thành điểm đáng sống trong Vùng Thủ đô

Đường phố ở thành phố Bắc Ninh rợp bóng cây xanh. Ảnh:  YẾN MINH

Theo quan điểm của các chuyên gia, do có lợi thế nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội, lại nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh phát huy được lợi thế thông qua hoạt động xây dựng đô thị gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử, thương mại và kinh tế tri thức. Điều này không chỉ tạo ra lợi thế riêng của tỉnh so với các tỉnh trong vùng mà còn góp phần giảm tải cho Thủ đô về mặt dân số, hạ tầng giao thông, môi trường, phát triển đô thị…
Tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về QH tỉnh Bắc Ninh, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Trục phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của Bắc Ninh và Hà Nội thông qua QL1A và TL295B. Đây là trục dịch vụ, đô thị động lực, công nghiệp tạo sự kết nối, tăng trưởng giữa Bắc Ninh và Thủ đô. Tận dụng thế mạnh này, Bắc Ninh  đang tập trung phát triển công nghiệp, đô thị - dịch vụ có các chức năng cấp vùng Thủ đô. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng để thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kết nối cấp vùng, góp phần giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội.
Việc phát triển đô thị Bắc Ninh gắn với các chức năng cấp Vùng Thủ đô có ý nghĩa quan trọng trong hành trình toàn tỉnh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết về nguồn vốn đầu tư, mức độ kết nối về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với các tỉnh, thành trong Vùng. Tin rằng với sự chỉ đạo, điều phối từ Trung ương cùng với những giải pháp hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh sẽ tạo động lực thúc đẩy đô thị Bắc Ninh ngày càng phát triển nhanh, bền vững; trở thành đô thị văn minh, hiện đại -đô thị đáng đến và đáng sống trong tương lai.

Hoàng An

Kinh Tế