“Cấp cứu” cây xanh đô thị

09/09/2024 17:53 Số lượt xem: 559
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị cố gắng cắt tỉa, trồng lại, chằng chống chắc chắn, tập trung chăm sóc những cây bị đổ, ngã. Tránh cưa cắt cực đoan cho xong việc.

Trận cuồng phong của cơn bão số 3 (bão Yagi) khiến hầu như không có khu đô thị  nào không có cây xanh đổ, gãy cành. Trong số hàng nghìn cây xanh “gục ngã” nằm la liệt, chắn ngang nhiều tuyến phố có rất nhiều cây lâu năm gắn liền với ký ức của người dân.

 

Hàng cây Giáng hương trước cửa UBND phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) sau khi trồng mới, được gia cố bằng hệ thống cọc chống an toàn trước mưa bão.

 

Nhìn những cây xanh trước cửa nhà bao năm vun trồng, chăm sóc bật gốc, hàng loạt cây xanh trong vườn hoa, công viên tỏa bóng mát bị gẫy đổ, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối, xót xa.

Thống kê của cơ quan chức năng đến ngày 9-9, toàn tỉnh có tổng số 31.860 cây xanh (cây bóng mát) bị đổ, gãy cành. Trong đó: thành phố Bắc Ninh: 3.288 cây; huyện Yên Phong: 1.198 cây; thị xã Quế Võ: 5.996 cây; huyện Tiên Du: 3.919 cây; thị xã Thuận Thành: 3.695 cây; huyện Gia Bình: 2.484 cây; huyện Lương Tài: 10.758 cây; thành phố Từ Sơn: 522 cây.

Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn tại cuộc họp ngày 8-9 về việc đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (bão YAGI) cả hệ thống chính trị và người dân Bắc Ninh chung sức, đồng lòng vào cuộc  nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất về tài sản, bảo đảm tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng người dân.

Để khắc phục tình trạng cây xanh gẫy đổ sau cơn bão, các lực lượng Công an, Quân đội tích cực phối hợp với các địa phương huy động sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ… tập trung  nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gẫy, bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục các sự cố về Điện, viễn thông, cấp nước sạch.

Hiện nay, tại khu vực đô thị, một trong những nhiệm vụ mất nhiều công sức nhất chính là công tác xử lý thu dọn cây đổ, cành gẫy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi gỗ, củi. Trong quá trình giải tỏa hành lang giao thông, nhiều cây xanh (cây thuộc nhóm gỗ quý, cây trồng lâu năm) bị cắt tỉa quá mức quy định. Thậm chí, đã có hiện tượng người dân tự ý đi thu gom, cắt tỉa cành, cây.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị cố gắng cắt tỉa, trồng lại, chằng chống chắc chắn, tập trung chăm sóc những cây bị đổ, ngã. Tránh cưa cắt cực đoan cho xong việc. 

"Nếu cứ gặp cây nghiêng, đổ mà cưa, cắt bỏ đi thì rất lãng phí, đặc biệt là những cây xanh thuộc nhóm gỗ quý hiếm" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Trao đổi với Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh về công tác khắc phục tình trạng cây xanh đô thị gẫy đổ trong cơn bão vừa qua, Ông Hiếu khẳng định: "Ngay trong sáng 9-9, UBND thành phố chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các phường, Công ty TNHH Một thành viên môi trường và công trình đô thị khẩn trương thống kê đầy đủ số lượng đối với những cây xanh đổ ra lòng đường, sau khi cắt tỉa, cần di chuyển lên hè phố, các dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại. Cây xanh có giá trị cần được bảo tồn khi bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng về mức độ hư hại, nếu có thể chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc phục hồi. Chú trọng gia cố hệ thống cột chống chắc chắn để đảm bảo an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh”.

 

Người dân chủ động trồng lại cây xanh bị ngã đổ sau cơn bão.

 

“UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh cho phép đánh giá hiện trạng chủng loại cây xanh đô thị của thành phố. Một số loại cây gẫy đổ nhiều, không phù hợp cảnh quan đô thị, gây mất an toàn cho người dân và hạ tầng điện, viễn thông sẽ được loại bỏ để trồng cây mới phù hợp”. Ông Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết thêm.

Cũng trong ngày 9-9, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở từng khu dân cư của các huyện, thị xã, thành phô tích cực tuyên truyền, phát động người dân tham gia tổng vệ sinh, dọn dẹp lòng đường, hè phố, góp phần hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh. Chủ động gia cố cây xanh đô thị, bảo đảm an toàn nơi sinh hoạt, sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản khi thiên tai xảy ra.

Đào Khoa

Kinh Tế