Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

13/03/2024 20:30 Số lượt xem: 647
Trong chiến lược tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng tỉnh, bên cạnh việc tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tạI Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh.

 

Năm 2024, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Bắc Ninh định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ, trong đó tập trung cho người dân vay vốn tiêu dùng mua nhà ở. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh tỉnh: Thực hiện chỉ đạo từ Hội sở, từ ngày 9-1,  ngân hàng triển khai gói tín dụng 160.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động. Thời hạn vay đến hết ngày 31-12-2024. Đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ôtô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6,0%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu. Hiện dư nợ của chi nhánh đạt hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó cho vay tiêu dùng chiếm khoảng hơn 30%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) chi nhánh Bắc Ninh cũng đang triển khai chương trình “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức 18.000 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh và vay phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà, ô-tô, tiêu dùng...) Khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 90% tài sản bảo đảm và thời gian đến 25 năm. Chương trình được triển khai từ nay cho đến hết ngày 31-12-2024. Không chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi, khách hàng vay vốn tại SHB còn được hưởng một loạt ưu đãi khác như: Tặng thẻ tín dụng kèm theo khoản vay gốc lên tới 200 triệu đồng, giảm 2% lãi suất cho khoản vay thấu chi không tài sản bảo đảm phục vụ mục đích bổ sung vốn lưu động, tặng lãi suất tiết kiệm online lên đến 0,3%/năm. Các chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng đang triển khai dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, hạn chế tình trạng vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường.
Năm 2024, Sacombank bổ sung thêm 20.000 tỉ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi ở mức 6-7%/năm. Các gói vay phục vụ đời sống nhất là cho vay tiêu dùng như xây, sửa nhà, mua nhà, mua xe, mua nội thất…  có lãi suất hấp dẫn hơn, chỉ từ 6,5%/năm.
Hiện nay, các ngân hàng đang thiết kế những gói vay tiêu dùng phù hợp, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của khách hàng với thủ tục thuận tiện. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 5% - 10,5%/năm. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8% - 13%/năm.
Ông Nguyễn Thạc Quảng, Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: “Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến đầu tháng 3 tăng 0,88% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân tăng. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được sẽ càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng và kéo theo cầu sản xuất tăng. Mục tiêu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng đạt 15% và có điều chỉnh theo tình hình thực tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Để tiếp tục tăng trưởng tín dụng hiệu quả, các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động cung ứng vốn cho doanh nghiệp và người dân phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Linh

Kinh Tế