Đại Lai thúc đẩy sản xuất vụ đông

09/10/2024 20:30 Số lượt xem: 132
Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất cây màu lớn của huyện Gia Bình, vụ đông được coi là vụ chính, đem lại lợi nhuận cao cho nhiều người dân ở xã Đại Lai. Ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây khó khăn trong quá trình chuẩn bị canh tác, song đến nay, diện tích đang được dần phủ xanh, cơ bản đáp ứng lịch thời vụ.

Nông dân khẩn trương xuống giống trồng cà rốt trên đất bãi thôn Đại Lai, xã Đại Lai.

 

Trên vùng đất bãi thôn Đại Lai, ông Trần Văn Nhiệm có gần 2,5 ha trồng cây màu đang tất bật cùng người lao động thực hiện công đoạn làm đất, xuống giống. Ông Nhiệm chia sẻ: “Mấy chục năm làm nông nghiệp chưa khi nào tôi chứng kiến mưa lũ làm nước sông Đuống dâng cao như vừa rồi, thời gian ngập kéo dài gần 10 ngày làm cây trồng không thể sống nổi. Toàn bộ diện tích trồng cà rốt của chúng tôi mất trắng, thiệt hại tiền giống, nhân công, làm đất… ước tính gần 200 triệu đồng. Các hộ xung quanh đây ít thì thiệt hại vài chục triệu đồng, hộ sản xuất lớn thì mất tới cả tỷ đồng. Sau khi nước rút, đất khô, chúng tôi bắt tay ngay vào xuống giống cà rốt, máy đánh luống đến đâu, tra hạt đến đó cho kịp vụ mới. Hy vọng, lớp đất cũ được rửa trôi bởi nước lũ, lớp đất mới sạch, màu mỡ hơn sẽ đem lại một mùa vụ bội thu”.
Có 8 sào diện tích chuyên màu ở trong đồng nhưng ông Nguyễn Văn Thăng, thôn Huề Đông cũng mất trắng 2 sào trồng rau sắp đến ngày thu hoạch. Một tuần sau bão, ông thu dọn cây trồng bị hỏng, chết, nhanh chóng xử lý đất rồi tra hạt, vào giống mướp, cải ngọt, bầu, hành… “Tranh thủ thời tiết thuận lợi chúng tôi phải xuống giống ngay để bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển trong khung thời vụ tốt nhất, duy trì nguồn cung thực phẩm cho người dân và bảo toàn giá trị kinh tế cho gia đình”.
Theo ông Đoàn Xuân Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lai, ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, xã có 110 ha đất bãi bị ngập, 52 ha cây rau màu thiệt hại. Đặc biệt có 10.000 m2 nhà màng, nhà lưới bị sập, 13.450 m2 nhà màng bị tốc mái, thiệt hại ước tính hơn 6,3 tỷ đồng. Chính quyền xã và các đoàn thể cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, hộ gia đình hướng dẫn các biện pháp xử lý bước đầu vùng đất nông nghiệp bị vùi lấp; phục hồi vườn cây ăn quả; rau hoa màu sau bão, lũ. Huy động người dân hỗ trợ thu gom, dọn dẹp và tiêu thụ nhanh một số nông sản tại các cơ sở thiệt hại nặng. Cân đối ngân sách để hỗ trợ một phần về giống, phân bón, công làm đất, tạo động lực cho hộ mạnh dạn tái sản xuất. Phối hợp cùng các ngành chức năng nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cho nông dân…
Nhờ những giải pháp tích cực, đến nay, 70% diện tích đất bãi của xã được nông dân tái sản xuất. Trong đồng, xã chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp khẩn trương thu hoạch lúa mùa, tập trung giải phóng đất để gieo ngay một số cây trồng vụ đông. Theo kế hoạch, vụ đông năm 2024, toàn xã phấn đấu trồng 120 ha trở lên, trong đó, cà rốt 100 ha, hành, tỏi 2 ha, ngô 1 ha, bí, khoai các loại 1 ha, rau màu khác 16 ha. Bám sát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trồng của UBND xã, các HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông chi tiết đến từng xứ đồng, khu vực để người dân thực hiện.
Thời gian tới, xã Đại Lai khuyến khích tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, tạo điều kiện cho các mô hình trồng cây màu có giá trị kinh tế, an toàn. Đề xuất các chính sách hỗ trợ để sớm phục hồi các mô hình kinh tế điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương, chia sẻ khó khăn với nông dân.
Ông Vũ Văn Ngọc, thôn Huề Đông bày tỏ: “Nhà tôi có 1.500 m2 nhà màng vừa mới đi vào hoạt động tháng 10 năm ngoái, còn đang làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND. Tuy nhiên, cơn bão số 3 khiến toàn bộ diện tích nhà màng bị gãy, đổ, diện tích dưa lưới trồng được 2 tháng dự kiến còn ít ngày nữa thu hoạch bị phá hỏng. Ước tính, tôi cần hơn 200 triệu phục dựng lại nhà màng, chưa kể vốn đầu tư cây giống, vật tư mới. Chúng tôi rất mong được các cấp, ngành đẩy nhanh hỗ trợ kinh phí hoặc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất vụ đông này đạt kết quả cao và duy trì hoạt động ở những năm tiếp theo”.

Song Giang

Kinh Tế