Kích cầu nông nghiệp sạch phát triển

24/05/2024 17:16 Số lượt xem: 263
Diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hoá phát triển mạnh mẽ, liên tục giảm qua các năm, năm 2022 là 46.085,9 ha, giảm 2.338,5 ha so năm 2018, song vẫn phải bảo đảm an toàn an ninh lương thực. Trước thực tế, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 3% tổng GRDP, nên tỉnh quan tâm đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, bằng các chính sách hỗ trợ đặc thù, nhằm kích cầu sản xuất nông nghiệp sạch phát triển.

Toàn tỉnh hình thành và phát triển 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên, 94 vùng sản xuất cây ăn quả; 50 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 59 cơ sở rau, hoa trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 39,6 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Đồng thời xây dựng 72 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động; 44 cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 8,5 ha; 1 cơ sở nuôi cá lồng được cấp Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và hơn 3.000 lồng nuôi cá trên sông. Đặc biệt, đã có 25 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Điều này cho thấy những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.
Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành Quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh thực sự là “kim chỉ nam” cho một nền nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu khi sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao tập trung; hình thành các vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung; sản xuất trồng trọt hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; nghiệm thu, chi trả hỗ trợ sản xuất của thôn, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; chăn nuôi, thuỷ sản, phát triển các sản phẩm OCOP… đều được hỗ trợ thoả đáng, đem lại lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Theo đó, các mức hỗ trợ tương đối cao, ví dụ như: Hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 50% giá giống cho các vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung; 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học trong một năm đầu; hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/nhà màng, nhà kính phục vụ sản xuất; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP và ngành nghề nông thôn… đã thực sự kích cầu cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Bắc Ninh tự hào là tỉnh công nghiệp, song nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng và có bước phát triển vượt bậc. Để Nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, triển khai cụ thể chính sách hỗ trợ đến với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia sản xuất nông nghiệp; để người dân được tiếp cận, nắm bắt cụ thể các chính sách, phương thức hỗ trợ, áp dụng  hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, ổn định đời sống nông dân. Việc vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vào thực tiễn đã giúp gia tăng giá trị kinh tế trên một ha trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, bằng những con số ấn tượng 153,1 triệu đồng/ ha/năm 2023, tăng 4,8 triệu đồng/ha so năm 2022 và tăng 36,8 triệu đồng/ha so năm 2018, cho thấy nông dân thực sự làm giàu trên chính đồng đất quê mình.  
Xây dựng các vùng nông thôn đáng sống, tiệm cận với các đô thị văn minh là chủ trương đúng đắn của tỉnh trong chiến lược phát triển hài hoà, bền vững. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chính là “đòn bẩy” hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, xanh, sạch, giá trị kinh tế cao, làm giàu chính đáng cho nông dân.

Hoài Anh

Khoa học - Công nghệ