Bắc Ninh khắc ghi ân tình và những di huấn của Bác

03/09/2024 18:55 Số lượt xem: 205
Bắc Ninh là một trong những địa phương Bác Hồ về thăm nhiều lần, lần nào về thăm Bác cũng căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân hãy đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạnh, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng quê hương đất nước.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khắc ghi ân tình và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao dân trí; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; làm tốt công tác thủy lợi; về phát triển hợp tác xã; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, chống tư tưởng bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có... trong 18 lần Người về thăm. Đây là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nỗ lực lao động sản xuất, công tác đạt được những thành tựu quan trọng.
Thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc với các phong trào “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “5 tấn thóc trên 1 ha gieo trồng”, “Nghìn việc tốt”... Bắc Ninh trở thành hậu phương vững chắc, luôn hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ghi nhận những công lao và đóng góp này, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 huyện, thị xã, thành phố; 41 xã, phường, thị trấn và 21 cá nhân trong tỉnh; phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 1.386 mẹ.
Trong xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc sau khi đất nước thống nhất, Bắc Ninh cùng cả nước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh, vượt qua thách thức; năng động, sáng tạo tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương.

 

KCN Yên Phong I là một trong những KCN có suất đầu tư cao nhất cả nước.


Sau 27 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội thuộc nhóm dẫn đầu. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2023 tăng 12,56%/năm); năm 2023 gấp 24,4 lần năm 1997; quy mô nền kinh tế đứng thứ 9 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 6.053 USD/người (gấp 31 lần năm 1997), đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, đứng thứ 11 cả nước; tổng vốn đầu tư so với GRDP giai đoạn 2021-2023 đạt 27,1%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 12,8%. Toàn tỉnh có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (chiếm khoảng 4% tổng số các KCN cả nước); thành lập được 33 CCN diện tích là 1.057,26 ha, có 23 CCN đi vào hoạt động. Điều này mở ra những cơ hội thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hiện có 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh tổng vốn đăng ký đạt hơn 28 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn, như Samsung, Canon, Foster, Goertek, Amkor, Foxconn... đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo, bán dẫn. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao là động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Toàn tỉnh có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160 ha; có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP diện tích 154 ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 153,1 triệu đồng, tăng 4,8 triệu đồng/ha so với năm 2022 và tăng 36,8 triệu đồng/ha so với năm 2018.
Với vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng, Bắc Ninh không chỉ đóng vai trò là một trong ba tỉnh động lực của vùng Thủ đô, mà còn đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 3 đô thị loại IV (thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và đô thị Yên Phong), 4 đô thị loại V (thị trấn Lim huyện Tiên Du; thị trấn Thứa, huyện Lương Tài; thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình; đô thị Nhân Thắng, huyện Gia Bình). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60,3%. Hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế, thông tin tuyên truyền; giải quyết việc làm luôn được quan tâm, đầu tư phát triển; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; một số chính sách đi trước, thực hiện ở mức cao hơn so quy định của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo 0,75%; phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Đảng bộ tỉnh có 11 Đảng bộ trực thuộc với 61.224 đảng viên (tăng 29.516 đảng viên so với năm 1997), sinh hoạt tại 554 tổ chức cơ sở đảng (tăng 99 tổ chức cơ sở đảng so với năm 1997).
Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Thái Uyên

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh