Hiệu quả mô hình “Làng quê an toàn”

06/01/2023 10:11 Số lượt xem: 1485
Sau gần một năm triển khai, những mô hình “Làng quê an toàn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thuận Thành ra mắt đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao kiến thức cho hội viên và nhân dân về bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ thôn Phúc Lâm (xã Nguyệt Đức) tích cực tham gia vệ sinh môi trường tại địa phương.

 

Được thành lập từ tháng 5-2022, đến nay mô hình “Làng quê an toàn” thôn Nghĩa Xá (xã Nghĩa Đạo) có hơn 350 thành viên, xây dựng 10 tiêu chí an toàn: An toàn về sức khỏe, dinh dưỡng, tinh thần; không có bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em; an toàn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu (nước sạch, vệ sinh, giáo dục); an toàn nơi làm việc, trong không gian mạng; an toàn giao thông, không có tai nạn thương tích; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn về tín dụng, phát triển kinh tế; an toàn trong quan hệ hôn nhân; an toàn cho phụ nữ và trẻ em yếu thế; an toàn không bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em", Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và xã thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng việc thực hiện quy chế hoạt động, vận động người dân tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức. Các cấp Hội phân công cán bộ phụ trách, dự sinh hoạt định kỳ với mô hình mỗi tháng một lần nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các vụ việc mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Chị Nguyễn Thị Năm, Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo cho biết: Từ khi thôn thực hiện mô hình “Làng quê an toàn” nhận thức của hội viên và nhân dân về an toàn đối với phụ nữ và trẻ em trong thôn được nâng lên rõ rệt. Trong thôn không xảy ra tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình…; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, được quan tâm chăm sóc; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong Chi hội được nâng cao; 96% gia đình trong thôn đạt gia đình văn hóa… Nhiều gia đình tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có thời gian dành cho bản thân, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, các thành viên còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn trong trồng trọt và chăn nuôi để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Mô hình làng quê an toàn trên địa bàn huyện Thuận Thành được triển khai làm điểm tại thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ từ tháng 4-2022,  đến nay đã có 19 thôn trên địa bàn huyện tổ chức ra mắt, trong đó xã Xuân Lâm có 3 mô hình, nhiều mô hình tại các xã như Đình Tổ, Nghĩa Đạo, Xuân Lâm hoạt động hiệu quả. Theo bà Trương Thị Hạnh, Chủ tịch hội LHPN huyện Thuận Thành: Thời gian thực hiện mô hình “Làng quê an toàn” chưa dài và còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, song đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nhân dân về an toàn đối với phụ nữ, trẻ em; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội phụ nữ cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ, đồng thời vận động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

 Để nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình “Làng quê an toàn” trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Thuận Thành tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; xây dựng mô hình “Làng quê an toàn” gắn với xây dựng Nông thôn mới; duy trì và thực hiện tốt hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế… từng bước nâng cao đời sống, tạo môi trường sống an toàn, hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

N. Hải

Giao thông - Xây dựng