Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh lớp 5 theo chương trình SGK mới

30/07/2024 14:56 Số lượt xem: 660
Nằm trong các hoạt động chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Sở GD-ĐT phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao hiệu quả dạy Tiếng Anh lớp 5 Global Success theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 500 giáo viên Tiếng Anh thuộc 158 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 4 – Trường Tiểu học Trừng Xá, huyện Lương Tài.

 

Cán bộ và giáo viên Tiếng Anh được giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi về cấu trúc, cách sử dụng sách giáo khoa mới; Hướng dẫn tổ chức dạy học và minh họa một số tiết dạy cụ thể; cách thức triển khai các hoạt động đặc trưng về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh thông qua các phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh theo chương trình SGK mới; hướng dẫn khai thác nguồn học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong quá trình giảng dạy. nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Tiếng Anh lớp 5 theo chương trình mới…

Các đại biểu thảo luận, chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Tiếng Anh. Đây là cơ sở để Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các nhà trường, cán bộ, giáo viên tiếp tục nghiên cứu chương trình SGK mới và nguồn học liệu tham khảo; Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn; Chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Tiếng Anh trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo.

Năm học 2024-2025, học sinh phổ thông toàn quốc từ lớp 1 đến lớp 12 đều học theo Chương trình GDPT 2018. Ở cấp Tiểu học, Tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh 3 lớp cuối cấp là lớp 3, lớp 4 và lớp 5; học sinh lớp 1 và lớp 2 là môn tự chọn, tùy điều kiện thực tế các nhà trường. Tại Bắc Ninh, môn tiếng Anh đã được triển khai bắt buộc với 100% học sinh lớp 3; triển khai thời lượng 4 tiết/tuần cho 100% học sinh lớp 4 và lớp 5; riêng lớp 1 và lớp 2, môn tiếng Anh được triển khai tới khoảng 85% học sinh.

T.K

Giáo dục - Đào tạo